Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen cam Tây Giang tại Quảng Nam

STNN - Trong những năm gần đây, ngành cây có múi Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, với diện tích và sản lượng tăng lần lượt 10% và 12,5%. Năm 2019, tổng diện tích đạt 256,86 nghìn ha và sản lượng 2,46 triệu tấn, chủ yếu là cam và bưởi.
cam-tay-giang-stnn-1747105176.jpg
 

Tuy nhiên, ngành đang gặp nhiều thách thức như sâu bệnh, thoái hóa giống, giảm năng suất và chất lượng do xói mòn nguồn gen và kỹ thuật canh tác chưa tối ưu. Cam Tây Giang, đặc sản của Quảng Nam, nổi bật với khả năng chịu hạn, phù hợp với vùng đồi núi, năng suất và chất lượng tốt. Song, do hạn chế về kiến thức canh tác, phương pháp nhân giống truyền thống và thiếu chăm sóc, giống cam này đang có nguy cơ thoái hóa, ảnh hưởng đến năng suất. Việc bảo tồn và phát triển nguồn gen quý giá này đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực và phát triển kinh tế địa phương.

Để phát triển cam Tây Giang thành sản phẩm hàng hóa tập trung, việc bảo tồn nguồn giống chất lượng cao là yếu tố then chốt. Điều này đòi hỏi quy trình chọn lọc, bình tuyển và công nhận cây đầu dòng để tạo nguồn giống sạch bệnh, phục vụ nhân giống và bảo tồn. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển các nghiên cứu về chế biến và xử lý sau thu hoạch cam, hướng tới xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp xanh, bền vững, từ khâu giống, trồng trọt đến chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như nước cam ép, song song với việc tiêu thụ quả tươi.

Nhằm giải quyết các vấn đề trên và khai thác tiềm năng của cam Tây Giang, PGS. TS. Khuất Hữu Trung cùng các cộng sự tại Viện di truyền nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện đề tài nghiên cứu: “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen cam Tây Giang tại Quảng Nam”. Mục tiêu của đề tài là chọn tạo giống cam Tây Giang đầu dòng sạch bệnh, phát triển vườn cây mẹ cách ly, xây dựng mô hình sản xuất và vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nước cam ép, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam.

Đề tài đã hoàn thành các mục tiêu nghiên cứu, thu được nhiều kết quả quan trọng.

Thứ nhất, đã xác định và mô tả chi tiết các đặc điểm hình thái, năng suất của giống cam Tây Giang bản địa, đồng thời chỉ ra những khó khăn trong canh tác hiện tại.

Thứ hai, mười bốn cây đầu dòng ưu tú về sinh trưởng, năng suất và chất lượng đã được chọn lọc, công nhận và đang được bảo tồn.

Thứ ba, quy trình tạo và nhân giống cây cam sạch bệnh bằng kỹ thuật vi ghép đã được thiết lập, cùng với việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác này, tạo ra hơn 15.000 cây giống sạch bệnh.

Thứ tư, đề tài đã hoàn thiện quy trình nhân giống bằng ghép mắt và nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật về bón phân, phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa, từ đó xây dựng quy trình trồng và chăm sóc cam Tây Giang hoàn chỉnh, đã được nghiệm thu.

Thứ năm, quy trình chế biến nước cam ép từ quả tươi cam Tây Giang cũng đã được tối ưu hóa và thử nghiệm thành công.

Thứ sáu và thứ bảy, các mô hình trồng mới và thâm canh cải tạo vườn cũ đã được xây dựng trên tổng diện tích 10 ha, cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, đặc biệt là mô hình thâm canh giúp tăng năng suất gần gấp đôi.

Cuối cùng, công tác đào tạo và phổ biến kiến thức đã được thực hiện thông qua các lớp tập huấn, hội thảo và công bố khoa học.

Trên cơ sở những thành tựu này, đề tài kiến nghị tiếp tục bảo tồn nguồn giống quý, nhân rộng các quy trình kỹ thuật tiên tiến và mở rộng nghiên cứu trên các giống cây có triển vọng khác tại địa phương.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20809/2022) tại Cục Thông tin, Thống kê.