Riêng đối với vùng ĐBSCL, khu vực bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn trong những năm qua, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần phải nghiên cứu các loài thủy sản thích ứng với sự biến đổi này, đặc biệt là nghề nuôi trồng rong biển. Đây là hướng tiếp cận phù hợp với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ở vùng này, để giúp người dân ổn định sản xuất. Trong quá trình nuôi kết hợp rong và tôm, rong có tác dụng cải thiện môi trường rất tốt và làm giảm dịch bệnh. Ngoài tác dụng xử lý ô nhiễm dinh dưỡng trong các ao nuôi, rong biển còn có khả năng giúp tăng sức đề kháng, chống stress. Rong biển là nguồn thức ăn tuyệt vời giàu protein, cacbon hydrate, sắc tố, khoáng chất, vitamin, là cho việc sử dụng chúng như là thức ăn bổ sung rất tốt. Rong câu (Gracilaria sp.) được ghi nhận có chứa nhiều hợp chất giúp tăng miễn dịch và có thể thay thế một phần thức ăn công nghiệp trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Các ao đầm sau khi nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng và các loại thủy sản khác thì chất thải và thức ăn thừa tồn đọng dưới đáy ao, dẫn đến ô nhiễm môi trường sống, nếu nuôi tôm vụ sau dễ xảy ra dịch bệnh. Việc luân canh nuôi rong sau vụ nuôi tôm sẽ giúp hấp thu chất dinh dưỡng còn tồn dư, cải thiện môi trường nuôi, cân bằng các chỉ số trong ao nuôi, giúp thủy sản vụ sau phát triển tốt, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của ThS. Phùng Bảy tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu phát triển trồng một số loài rong biển phù hợp trong các mô hình nuôi tôm nước lợ cho khu vực xâm nhập mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long” trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020
Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu lựa chọn và phát triển được một số loài rong biển phù hợp; và xây dựng quy trình công nghệ, mô hình trồng rong biển trên diện tích nuôi tôm bán thâm canh, quảng canh cải tiến và tôm-lúa cho khu vực bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn (độ mặn dao động từ 6-32%o) ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Qua điều tra khảo sát và thực nghiệm, đề tài đã chọn lựa được 4 loài rong có giá trị kinh tế, có tiềm năng trồng tại ĐBSCL gồm có: rong câu chỉ (Gracilaria tenuistipitata), rong câu cước (Gracilariopsis bailiniae), rong câu bản đia (Gracilaria sp.) và rong nho (Caulerpa lentillifera). Giống các loài rong này có thể thu gom tại chỗ hay bắt nguồn từ các tỉnh miền trung như Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế và Thanh Hóa.
Đề tài đã xây dựng thành công 5 quy trình trồng rong tại các vùng xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL, bao gồm: 1) Xây dựng quy trình xen canh tôm sú - rong câu cước theo hình thức quảng canh cải tiến; 2) Xây dựng quy trình xen canh tôm thẻ chân trắng rong câu bản địa (RCBĐ) theo hình thức bán thâm canh; 3) Xây dựng quy trình trồng luân canh rong câu chỉ (RCCh) với tôm sú quảng canh cải tiến; 4) Xây dựng quy trình trồng luân canh RCBĐ với thẻ chân trắng bán thâm canh và 5) Xây dựng quy trình trồng luân canh rong nho với tôm sú quảng canh cải tiến.
Xây dựng các mô hình trồng rong biển có giá trị kinh tế tại các vùng ngập mặn ở ĐBSCL, chẳng hạn như đã xây dựng mô hình trồng xen canh rong câu cước (RCC) với tôm sú quảng canh cải tiến quy mô 1 ha: tạo ra 979 kg/ha tôm sú, tỷ lệ sống đạt 65 %. RCC đạt 11 tấn/1 ha, tốc độ sinh trưởng trung bình 1,92 %. Lợi nhuận đạt 58,72 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận đạt 35,3%; và xây dựng mô hình trồng xen canh RCBĐ với tôm thẻ chân trắng nuôi bán thâm canh quy mô 1 ha tạo ra 5.972 kg tôm thẻ thương phẩm, RCBĐ đạt 10,1 tấn/1 ha, tốc độ sinh trưởng trung bình 2,14%. Lợi nhuận đạt 214,54 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận đạt 31,64%.
Kết quả nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng các công nghệ nuôi luân canh, nuôi xen canh để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20393/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.