Người đàn ông làm “bảo mẫu” cho đàn chim trời

STNN - Khi đàn chim trời bay về ngày càng đông, lên đến cả ngàn con, anh Nguyễn Mạnh Cường quyết định dành một phần diện tích trang trại vốn để nuôi vịt trời làm chỗ trú ngụ cho bầy chim, và anh trở thành “bảo mẫu” cho đàn chim trời kể từ ngày có quyết định táo bạo ấy.
bao-mau-chim-troi-sinhthainongnghiep-1-min-1738729163.JPG
Đàn chim bay rợp trời tạo nên bức tranh thiên nhiên lãng mạn.

Bỏ nuôi vịt trời, nhường nơi trú ngụ cho bầy chim hoang dã

Sau nhiều năm bôn ba lập nghiệp, năm 2016, anh Nguyễn Mạnh Cường trú tại phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) quyết định đầu tư một trang trại gần 3 ha để chăn nuôi vịt trời, gà, lợn. Mô hình chăn nuôi khá thành công, mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định. 

Từ đầu năm 2017, khu trang trại nằm giữa cánh đồng, cách xa khu dân cư của gia đình anh xuất hiện đàn chim trời về trú ngụ. Ban đầu, chủ yếu là cò và cói bay về, số lượng khoảng 200 con. Nhưng càng ngày, bầy chim rủ  nhau về trú ngụ tại trang trại càng tăng lên. Với lòng yêu thiên nhiên và mong muốn bảo vệ bầy chim, anh Cường quyết định dành chỗ cho đàn chim trú ngụ. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc gia đình anh phải bỏ hẳn việc chăn nuôi vịt trời. Bởi vì, chim về trú ngụ kèm theo đó là nguồn lây lan dịch bệnh từ tự nhiên, khiến việc chăn nuôi vịt trời không thể tiếp tục. Đó là bài toán nan giải với gia đình anh. Tuy nhiên, anh Cường vẫn kiên định với quyết định của mình.

bao-mau-chim-troi-sinhthainongnghiep-2-min-1738729060.jpg
Suốt 8 năm qua, anh Cường vẫn miệt mài bảo vệ đàn chim cư trú tại vườn.

“Lúc đầu, tôi nghĩ chim chỉ về ở ít hôm rồi đi, nhưng không ngờ bầy chim về và ở lại mỗi ngày một nhiều, với đủ các loài như cò, cói, vạc, ngàng, diệc và nhiều loài chim nhỏ khác. Dù quyết định này mang đến những khó khăn cho phát triển kinh tế gia đình, song tôi tự nhủ: dành không gian cho đàn chim về trú ngụ trong vườn nhà cũng là một phần trách nhiệm của một công dân nhằm bảo vệ đàn chim, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái”, anh Cường bày tỏ.

Cùng với việc chính quyền địa phương cấm săn bắn chim trời, bắt đầu từ năm 2021, số lượng chim về trang trại tăng lên đột biến, đến nay đã có khoảng hơn 30.000 con. Chiều chiều, từng đàn chim trở về tạo nên một khung cảnh yên bình, thơ mộng: Đàn cò trắng chao cánh tìm chỗ ngủ gợi nhớ những hình ảnh trong câu ca dao, trong lời ru của bà của mẹ; tiếng lao xao của cò và cói cùng những loài chim nhỏ đan vào nhau, tạo nên một bản hòa âm đầy sức sống, khiến cho chúng ta có cảm giác đang hòa mình vào với thiên nhiên, với đất trời. Thật gần gũi và yên bình xiết bao! Không những vậy, không gian mặt nước của trang trại cũng trở thành nơi mà đàn vịt trời tự nhiên tìm về. Trên diện tích 2 ha mặt nước của trang trại xuất hiện nhiều đàn vịt trời tự nhiên về ở và kiếm ăn buổi ngày, số lượng ngày một tăng lên.

Nhận thức rõ ý nghĩa của công việc mình đang làm, nhưng điều khiến anh Cường trăn trở là bầy chim về đông quá, chim đậu san sát nhau trên cành cây khiến cây không nhận đủ ánh sáng mặt trời, khó khăn cho quá trình quang hợp dẫn đến một số cây trong vườn đang bị chết dần. Cây chết sẽ làm mất nơi trú ngụ của chim, điều này khiến anh không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Đối mặt với những hiểm nguy để bảo vệ những đàn chim trời

Sở dĩ bầy chim tìm về trang trại “đất lành” này ngày một đông hơn, ngoài việc đây là khu vực yên tĩnh giữa cánh đồng và cách xa khu dân cư, còn bởi lẽ chúng có một người “bảo mẫu” đặc biệt nhiều đêm thức trắng để ngăn chặn những kẻ săn bắt chim trời. Trước đây, khi thấy chim về tại khu vực trang trại gia đình anh Cường, có nhiều người đã lợi dụng đêm tối hay những khi mưa gió để lẻn vào bắt trộm bằng nhiều hình thức. Không ít lần, anh Cường phải đối mặt với kẻ xấu cùng những lời đe dọa. Nhưng không nản chí, anh càng quyết tâm bảo vệ sự an nguy của bầy chim. Thêm vào đó, thời gian vừa qua, được chính quyền địa phương và lực lượng Công an phường hỗ trợ, tình trạng săn bắt trộm chim vào ban đêm đã giảm đi đáng kể.

bao-mau-chim-troi-sinhthainongnghiep-3-min-1738729060.jpg
Đi tuần, kiểm tra đàn chim là công việc hàng ngày của anh Cường.

“Bỏ chăn nuôi vịt trời để nhường chỗ cho đàn chim là một cơ duyên trong 8 năm qua. Hàng ngày, ngoài công việc của gia đình, thời điểm màn đêm buông xuống, tôi lại tranh thủ cùng bầy chó - những trợ thủ đắc lực - đi tuần và kiểm tra đàn chim. Rất nhiều chim trời bị dính bẫy khi đi kiếm ăn ban ngày. Đêm về, chúng rơi xuống đất cùng với bẫy, tôi tháo bẫy đem về chữa lành vết thương và chăm sóc cho chúng đến khi khoẻ mạnh sẽ thả về môi trường tự nhiên.” – anh Cường chia sẻ.

Ông Bùi Phan Thuyên, Phó Chủ tịch UBND phường Đậu Liêu cho biết: “Từ năm 2017, gia đình anh Nguyễn Mạnh Cường đã quyết định ngừng nuôi vịt trời để bảo tồn những đàn chim trời về trú ngụ, việc làm này rất tốt, góp phần vào bảo vệ môi trường sống của chim trời. Thời gian vừa qua, chính quyền địa phương cũng thường xuyên động viên, chia sẻ, phối hợp cùng gia đình và lực lượng Công an phường để làm tốt công tác bảo vệ tránh sự săn bắt trộm của những kẻ xấu, đồng thời làm công tác tuyên truyền cho người dân trên địa bàn. Các đối tượng khi có hành vi săn bắt bị phát hiện lần đầu, sau khi được tuyên truyền và nhắc nhở thì hầu như không tái phạm.”

bao-mau-chim-troi-sinhthainongnghiep-4-min-1738729060.JPG
Không chỉ là “bảo mẫu”, anh còn là “nhân viên cứu hộ” tháo bẫy và chữa lành cho những chú chim bị thương.

Để khép lại bài viết này, thiết nghĩ bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên, cần khuyến khích và động viên những tấm gương tích cực trong bảo vệ chim trời một cách thiết thực. Việc hỗ trợ đào tạo, tổ chức các hoạt động mang lại giá trị kinh tế, như du lịch sinh thái hoặc giáo dục môi trường, sẽ giúp những cá nhân giàu tâm huyết này có thêm nguồn thu nhập, đồng thời góp phần xây dựng một môi trường sống hài hòa và bền vững cho cả con người và thiên nhiên.

Hoàng Nghĩa