Nhánh rong xanh mở ra “cánh cửa”

Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế Indonesia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ngành du lịch “đóng băng”, nhiều người dân rơi vào cảnh thất nghiệp, buộc họ phải tìm hướng đi bền vững hơn. Và trong khó khăn, nuôi trồng rong biển mở ra “cánh cửa thoát hiểm”.

Người dân thu hoạch rong biển. Ảnh: GTR

Tại Indonesia, nuôi trồng rong biển là ngành kinh tế lâu đời, thậm chí, họ còn là nước sản xuất rong biển lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Điều kiện trồng rong ở “đất nước vạn đảo” này được xem là vô cùng lý tưởng, nhờ sở hữu hơn 34.000 dặm bờ biển và được mặt trời chiếu sáng quanh năm. “Rong biển là mặt hàng đang được khuyến khích tại thị trường châu Âu. Hiện nay, các thành viên trong hiệp hội đang nỗ lực lập kế hoạch xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường châu Âu và một số thị trường quốc tế khác, qua đó giúp các nhà sản xuất rong biển trong nước có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn”, Donny Nagasan, Chủ tịch Hiệp hội ngành biển Indonesia cho biết.

Vậy nhưng, lại có một nghịch lý: đang có đến 80% lượng rong biển của Indonesia được chế biến ở nước ngoài, do sản xuất nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đồng nghĩa với việc người dân xứ vạn đảo chỉ được hưởng một phần rất nhỏ lợi nhuận.

Từ thực tế đó, tháng 5/2020, Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) đã phê duyệt khoản tài trợ 250.000 EUR và gói hỗ trợ kỹ thuật mới từ Công ty Seatech Energy (Hà Lan), cho dự án nuôi trồng rong biển ở Nam Sulawesi (Indonesia), một trong năm tỉnh có diện tích và sản lượng rong biển lớn nhất cả nước. Khi hoạt động hết công suất, dự kiến ​​sẽ sản xuất 65.000 tấn rong biển mỗi năm, tạo việc làm cho hơn 500 người lao động, giúp tăng thu nhập đáng kể cho họ: từ hơn 200 USD/tháng lên 300 – 400 USD/tháng. Đồng thời, rong biển sinh trưởng tác động tích cực đến môi trường, hấp thụ 275 tấn CO2 từ đại dương mỗi năm và hỗ trợ đa dạng sinh học của sinh vật biển trong khu vực. Nuôi trồng rong biển ngoài khơi cũng là một giải pháp tăng quỹ đất, thay thế nhu cầu sử dụng một lượng lớn đất để trồng trọt và chăn nuôi của nông dân địa phương.

Trong dự án này, Seatech Energy mang tới công nghệ “Cấu trúc phát triển rong biển ORCA-SP”, là một khung hình tròn tự điều chỉnh độ sâu đã được cấp bằng sáng chế, được tùy chỉnh cho các điều kiện đại dương và môi trường sinh trưởng lý tưởng tại vị trí của trang trại rong biển. Người dân có thể tiếp cận phương pháp canh tác dựa trên công nghệ nuôi trồng mới này, qua đó tiết kiệm chi phí, gia tăng năng suất. Bởi theo công ty cung cấp cam kết, ORCA-SP có thể thiết kế, sản xuất, lắp đặt ngay tại mỗi địa phương.

Rong biển có thể được sử dụng, khai thác bằng nhiều cách khác nhau. Nếu trước đây, loại nguyên liệu xanh này chủ yếu được chế biến thành thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm, thì đến nay rong biển còn được tận dụng nhiều hơn trong công nghiệp: nhiên liệu sạch, nhựa sinh học. Các loại bao bì và chất liệu đóng gói làm từ rong biển mới chỉ ở trong giai đoạn “khai hoang”. Indonesia Evoware – startup doanh nghiệp xã hội đang nỗ lực tạo ra các bao bì thân thiện với môi trường như: cốc thạch, giấy gói thực phẩm từ rong biển, có thể ăn được thậm chí còn đem lại dinh dưỡng.

Giám đốc điều hành David Christian của công ty kỳ vọng sẽ sớm cải tiến quy trình sản xuất hiện vẫn chủ yếu mang tính thủ công. “Chúng tôi muốn quy trình sẽ được tự động hóa hoàn toàn vào năm tới. Khi ấy, giá thành của loại bao bì ăn được này sẽ chỉ cao hơn khoảng 30% so các sản phẩm làm từ nhựa, tức là có thể cạnh tranh được”, doanh nhân 23 tuổi lạc quan.

Evoware cũng thường xuyên làm việc trực tiếp với những người trồng rong. Christian và các cộng sự đang cố gắng “hướng dẫn họ trồng rong biển chất lượng cao, thu hoạch đúng cách và bán với giá cao gấp đôi bình thường”.

Nhìn chung, toàn bộ quá trình từ nuôi trồng đến chế biến rong biển tại Indonesia được xem
như một mô hình canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu kiểu mẫu. Và đó cũng có thể là một trong những gợi ý đáng giá cho 3.260 km đường bờ biển của Việt Nam.

Theo Nhân dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây