Hiện nay, hàng nghìn xe nông sản đang ùn ứ tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Nguyên nhân là do thời gian qua, lượng xe chở nông sản lên biên giới liên tục tăng, trong khi đó phía Trung Quốc lại tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt về phòng, chống dịch Covid-19 khiến hàng hóa lưu thông chậm, thậm chí ngừng trệ.
Theo thống kê, từ cuối tháng 11/2021 đến nay, lượng phương tiện chở hàng nông sản xuất qua các cửa khẩu của Lạng Sơn tăng gấp hai đến ba lần so với những tháng trước. Lý do vì đang là thời điểm cuối năm nhu cầu tiêu dùng cao và cũng là thời điểm thu hoạch rộ nhiều loại nông sản như: thanh long, xoài, bưởi, mít... ở các tỉnh phía nam. Đây cũng là những nông sản có lượng xuất khẩu lớn sang thị trường Trung Quốc nhiều năm qua.
“Tắc đường” qua biên giới
Tính đến ngày 15/12, tổng lượng xe tồn tại ba khu vực cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 4.426 xe hàng hóa, trong đó chủ yếu là hàng nông sản. Tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tồn 1.301 xe, chủ yếu là mít, thanh long… Tại Cửa khẩu phụ Tân Thanh, tồn tại khu phi thuế quan là 1.192 xe, chủ yếu là dưa hấu (tỉnh Quảng Ngãi), thanh long (tỉnh Bình Thuận), chuối xanh (tỉnh Tiền Giang), mít (tỉnh Đắk Lắk, Tiền Giang), xoài (tỉnh Bình Định). Cửa khẩu chính Chi Ma tồn 703 xe. Trong khi đó, năng lực thông quan xuất khẩu tại các cửa khẩu đều rất hạn chế. Cụ thể, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, mỗi ngày chỉ thông quan được khoảng 150-200 xe. Nguyên nhân chính là do từ ngày 8/12, với lý do tăng cường phòng, chống dịch, Trung Quốc tạm dừng hoạt động thông quan hàng hóa qua Cửa khẩu song phương Chi Ma. Vì vậy, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn ba cửa khẩu thực hiện hoạt động thông quan hàng hóa là: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; Ga Đường sắt quốc tế Đồng Đăng; Cửa khẩu Tân Thanh.
Trong bối cảnh đó, lượng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu từ các địa phương lên khu vực cửa khẩu lại tăng cao, từ 1.500 đến 1.700 phương tiện/ngày, xảy ra hiện tượng ùn ứ kéo dài. Từ ngày 10/12, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn đã gửi thư công tác đề nghị chính quyền nhân dân huyện Ninh Minh, Quảng Tây (Trung Quốc) khôi phục lại cặp cửa khẩu Chi Ma-Ái Điểm, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Trung Quốc. Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đình Đại cho biết: Trước tình hình trên, Sở đã có khuyến cáo kịp thời tới các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, thương nhân và các đơn vị liên quan cân nhắc xem xét, bố trí thời gian hợp lý để đưa hàng hóa đến các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, tránh ùn tắc, gây thiệt hại kinh tế. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà, tỉnh đã yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức điều tiết phương tiện chở hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu, bảo đảm công khai, minh bạch, theo thứ tự ưu tiên, nhất là ưu tiên điều tiết đối với các mặt hàng không vận chuyển bằng container lạnh; phối hợp bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực cửa khẩu. Đồng thời trang bị cơ sở vật chất thiết yếu, phục vụ nhu cầu tại các khu sinh hoạt tập trung, nơi dừng đỗ phương tiện của lái xe đường dài để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Giải pháp cấp bách và lâu dài
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục đã có Công văn số 992/CBTTNS-CS gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố; Hiệp hội Rau quả Việt Nam; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề nghị phối hợp điều tiết xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản sang Trung Quốc. Theo đó, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, phối hợp với các tỉnh biên giới, đặc biệt là Lạng Sơn, thông báo cho các doanh nghiệp làm việc với đối tác nhập khẩu bố trí thời lượng đưa xe lên cửa khẩu để bảo đảm phù hợp với năng lực thông quan và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.
Về phía tỉnh Lạng Sơn, Phó Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu Tân Thanh Bế Thái Hưng cho biết: Để thúc đẩy thông quan, Chi cục đã khuyến khích và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hồ sơ khai báo hải quan từ chiều hôm trước, để đầu giờ sáng hôm sau có thể triển khai thông quan ngay khi cơ quan chức năng Trung Quốc mở cửa khẩu. Song song với tăng cường lực lượng, lãnh đạo Chi cục cũng yêu cầu cán bộ, nhân viên bộ phận nghiệp vụ làm việc sớm từ 20 đến 30 phút so với giờ hành chính để có thêm thời gian hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Còn theo Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Nguyễn Tiến Bộ, thì để rút ngắn thời gian làm thủ tục, đơn vị ưu tiên làm thủ tục cho doanh nghiệp kê khai hải quan điện tử. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Quản lý cửa khẩu bố trí mở riêng luồng tái xuất, tái nhập đối với phương tiện của cả Việt Nam và Trung Quốc. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tổ chức hội đàm với phía Trung Quốc để thống nhất các biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu. Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn Hoàng Khánh Duy cho biết: Ban Quản lý đã thống nhất với phía Trung Quốc tăng thời gian mở cửa khẩu của Trung Quốc sớm hơn 1 giờ so với trước đây; nhanh chóng nối lại hoạt động thông quan qua Cửa khẩu song phương Chi Ma. Mục tiêu trong khoảng 10 đến 12 ngày tới sẽ giải phóng hết lượng phương tiện tồn ở các cửa khẩu.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp cấp bách, còn về lâu dài cần những giải pháp căn cơ và bền vững hơn. Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Lê Thanh Hòa nhấn mạnh: Hiện Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách “zero Covid-19” đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu dẫn đến việc giảm tốc độ thông quan xuống còn 50% so với trước đây, gây ra ùn ứ rất lớn lượng xe vận chuyển nông sản tại các cửa khẩu. Mặt khác, Trung Quốc cũng áp dụng các biện pháp kiểm tra Covid-19 trên bao bì hàng hóa, tăng cường công tác kiểm dịch thực vật đối với hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc. Ngoài ra, bắt đầu từ 1/1/2022, Trung Quốc cũng thực hiện thêm nhiều quy định mới về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh đối với hàng nông sản nhập khẩu theo Lệnh 248, 249. Chính vì vậy, ngoài các giải pháp đàm phán để tăng thời gian thông quan, mở lại các cặp cửa khẩu thì việc quan trọng, dài hơi là cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hàng rau quả, thủy sản xuất khẩu qua tuyến biên giới với Trung Quốc. Kiểm soát các cơ sở vùng trồng, thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc xuất xứ, quy định nhãn mác, bao bì sản phẩm, quản lý hồ sơ doanh nghiệp theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng để hàng hóa bảo đảm đủ điều kiện thông quan khi đưa lên cửa khẩu. Mặt khác, cần hạn chế xuất khẩu các sản phẩm thô thông qua việc tăng cường năng lực sơ chế, chế biến sâu để nâng cao khả năng bảo quản, gia tăng giá trị hàng hóa. Đồng thời giảm tổn thất kinh tế cho cả doanh nghiệp và nông dân trong những thời điểm ách tắc hàng nông sản tại các cửa khẩu như hiện nay.
Theo Nhân dân