Nỗi nhớ hến sông La

STNN – Hến sông La từ bao đời nay có lẽ đã trở thành nỗi nhớ, niềm thương của những người con Đức Thọ – Hà Tĩnh mỗi lần xa quê. Dù có đi đến đâu, dù từng ăn những món ngon đặc biệt nào thì người Đức Thọ cũng không thể quên được hương vị quê nhà.

Món canh hến nấu khế chua – Ảnh: ST

Hến sông La gắn bó với bà con Đức Thọ suốt chặng đường dài gần ba thế kỷ, là một món ăn không thể thiếu trên mỗi mâm cơm đãi khách. Người Đức Thọ coi đó như một thức quà đặc biệt và gửi vào món ăn dân dã ấy tấm lòng ấm áp, bình dị mà mộc mạc của người miền Trung.

Và cũng chính bên bờ sông La ấy, có một ngôi làng đặc biệt mang tên làng Bến Hến thuộc xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), là làng có lịch sử hơn 300 năm, nổi tiếng với nghề cào hến, nấu hến. Nghề cào hến, bán hến không những là nghề kiếm sống của bà con mà còn là nghề góp phần nuôi dưỡng bao thế hệ người Bến Hến học hành đỗ đạt thành tài.

Có lẽ có nhiều người chưa biết, để làm nên món ăn dân dã, bình dị đó, người dân làng hến phải thức khuya dậy sớm, từng ngâm mình trong bùn đất, mang phận mò cua bắt ốc sớm hôm trôi dạt cùng bờ bến sông La. Ngày xưa, khi chưa có các thiết bị máy móc, người dân làng Bến Hến phải dùng những phương tiện đánh bắt thô sơ từ tre nứa. Để cào hến, bà con dùng những chiếc cào tre. Chiều dài chiếc cào tùy vào độ sâu của lòng sông, có cào dài tới hơn 5m. Người thợ cào hến phải chống chèo, hành trình vượt sông có khi hàng mấy chục ki-lô-mét .

Nay nhờ kinh tế khá giả hơn, nhiều gia đình đã đầu tư thuyền máy với vợt sắt và lưới dù để đi cào hến. Trung bình một chuyến đi sông, mỗi thuyền vớt được vài trăm ki-lô-gam hến. Tại đây, hến được khai thác gần như quanh năm nhưng nhiều nhất là thời điểm những tháng hè nắng nóng. Vào mùa mưa hay tiết trời lạnh, hến lặn sâu dưới bùn nên người dân chỉ tranh thủ cào hến rải rác ở những bến sông gần.

Ở vùng sông La, hến có hai loại với màu đặc trưng là màu vàng sáng và màu đen sạm. Hến có màu vàng sáng là những con hến sống ở khu vực đáy sông có nhiều cát, còn loại vỏ đen sạm là sống ở khu vực nhiều bùn. Sau khi hến được đưa về bến, những người phụ nữ tảo tần sẽ nhặt sạch sạn rác và ngâm hến trong khoảng 8-10 tiếng để hến nhả sạch những nhớt bẩn.

Những con hến to tròn, béo ngậy sau khi được rửa sạch, người làm đổ hến vào nồi, không cần thêm nước, chỉ cần đậy nắp lại và đun với lửa to. Khi sôi, nồi hến được khuấy đều, khi thấy hến mở hết vỏ thì bắc nồi ra khỏi bếp. Luộc hến tưởng chừng là công việc đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo, bởi nếu quá trình luộc không chuẩn thì sẽ không thu được hết ruột hến. Củi luộc phải đảm bảo khô để lửa cháy lớn, giúp nồi hến sôi đều.

Nước luộc hến được chắt ra riêng, để lắng và chế biến. Bát nước hến màu trắng sữa, mùi thơm, vị đậm ngọt, bổ dưỡng được ví von như nguồn sống vô tận của dòng sông quê mẹ. Người đãi hến dùng tay khuấy thật mạnh để ruột hến còn nằm trong vỏ bung hết ra rồi tỉ mẩn nhặt sạn lại một lần nữa trước khi chế biến thành món đặc sản quê nhà.

Hến là món ăn dân dã, bình dị mà đậm đà vị quê hương. Không những vậy, từ nước hến và ruột hến có thể chế biến được rất nhiều món ăn khác nhau. Chỉ cần nấu nước hến với các loại rau là đã có ngay một bát canh thơm ngon, ngọt mát. Nếu không kịp hái rau, chỉ cần đập vài nhánh gừng, cho thêm chút mắm tôm hay thìa nước mắm, đun sôi lên là có bát canh nóng đưa cơm. Cà muối thì bao giờ cũng sẵn trong vại, chỉ cần lấy ra đĩa, thế là đã có bữa trưa cơm hến đạm bạc nhưng ngon miệng.

Món hến sông La xúc bánh đa vừng gây thương nhớ – Ảnh: ST

Phần thịt hến dùng để làm nhiều món, như: cơm hến, bún hến, cháo hến, hến chiên nước mắm hay đơn giản hơn là món hến xào hành, hến xào gừng,… Một món hến khác cũng không kém phần hấp dẫn là hến xào giá xúc với bánh đa vừng. Vị ngọt béo, mùi thơm đặc trưng của ruột hến quyện với mùi thơm thơm bùi bùi của vừng, vị thanh ngọt của giá đỗ lại được “đánh thức” bởi các loại rau thơm ăn kèm thì thật là chỉ thưởng thức một lần cũng khiến ta nhớ mãi.

Nếu có dịp ghé qua sông La – Đức Thọ, bạn hãy dừng chân thưởng thức những món ăn dân dã được làm từ đặc sản vùng quê xứ Nghệ mặn mòi. Những con người của miền Trung hiếu khách sẽ nhiệt tình tiếp đãi bạn thứ đặc sản bình dị mà ấm áp – món quà của mẹ Thiên nhiên đã từng nuôi sống bao thế hệ người sông La qua những năm tháng khó khăn, qua chiến tranh, qua gian nan. Chắc chắn rằng, trong tâm trí bạn sẽ còn đọng lại mãi những ấn tượng vô cùng đẹp đẽ về con người, về ẩm thực đồng quê của mảnh đất đầy nắng gió này.

Nguyễn Hằng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây