STNN - Tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm không khí dạng bụi mịn (PM2.5) có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ, theo một phân tích tổng hợp mới từ Harvard T.H. Chan School of Public Health-Hoa Kỳ.
Tác giả nghiên cứu gồm các giáo sư Marc Weisskopf, Cecil K. và Philip Drinker cho biết: "Đây là một bước tiến lớn trong việc cung cấp dữ liệu nhằm hỗ trợ thêm hiểu biết cho các cơ quan quản lý và bác sĩ lâm sàng về chủ đề sức khỏe cực kỳ quan trọng này. Kết quả có thể được sử dụng bởi các tổ chức như Cơ quan Bảo vệ Môi trường, hiện đang xem xét tăng cường các giới hạn về phơi nhiễm PM2.5”.
Nghiên cứu này là đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp đầu tiên sử dụng công cụ mới có tên là Rủi ro sai lệch trong nghiên cứu tiếp xúc không ngẫu nhiên (ROBINS-E), giải quyết vấn đề sai lệch trong nghiên cứu môi trường một cách chi tiết hơn so với các phương pháp đánh giá khác. Đây cũng là nghiên cứu mới sử dụng "xác định trường hợp tích cực", là phương pháp liên quan đến việc sàng lọc toàn bộ quần thể nghiên cứu, sau đó là đánh giá trực tiếp về chứng mất trí nhớ ở những người không mắc chứng mất trí nhớ lúc ban đầu.
Hơn 57 triệu người trên toàn thế giới hiện đang chung sống với chứng mất trí nhớ và ước tính con số này sẽ tăng lên 153 triệu người vào năm 2050. Có tới 40% các trường hợp này được cho là có liên quan đến những yếu tố rủi ro có thể thay đổi được, chẳng hạn như tiếp xúc với chất gây ô nhiễm không khí.
Nhóm tác giả, đã quét hơn 2.000 nghiên cứu và xác định 51 nghiên cứu đánh giá mối liên quan. giữa ô nhiễm không khí xung quanh và chứng mất trí lâm sàng, tất cả đều được công bố trong vòng 10 năm qua.
Những nghiên cứu đó được đánh giá về độ sai lệch bằng cách sử dụng ROBINS-E và 16 nghiên cứu trong số đó đáp ứng các tiêu chí cho phân tích tổng hợp. Phần lớn nghiên cứu là về PM2.5, với nitơ điôxít và nitơ ôxit là những chất ô nhiễm phổ biến tiếp theo được nghiên cứu. Trong số các nghiên cứu được sử dụng trong phân tích tổng hợp, chín nghiên cứu được sử dụng xác định trường hợp tích cực.
Các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng nhất quán về mối liên hệ giữa PM2.5 và chứng sa sút trí tuệ, ngay cả khi mức phơi nhiễm hàng năm thấp hơn tiêu chuẩn hàng năm hiện tại của EPA là 12 microgam trên một mét khối không khí (μg/m3). Đặc biệt, trong số những nghiên cứu sử dụng phương pháp xác định trường hợp tích cực, các nhà khoa học nhận thấy nguy cơ phát triển chứng mất trí nhớ tăng 17% đối với mỗi mức tăng 2 μg/m3 khi tiếp xúc trung bình hàng năm với PM2.5.
Họ cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa chứng sa sút trí tuệ và nitơ oxit (tăng 5% nguy cơ đối với mỗi lần tăng 10 μg/m3 khi tiếp xúc hàng năm) và nitơ điôxít (tăng 2% nguy cơ đối với mỗi lần tăng 10 μg/m3 khi tiếp xúc hàng năm), mặc dù dữ liệu bị hạn chế hơn.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng mối liên quan ước tính của ô nhiễm không khí với nguy cơ sa sút trí tuệ nhỏ hơn so với các yếu tố rủi ro khác, chẳng hạn như trình độ học vấn và hút thuốc. Tuy nhiên, do số lượng người tiếp xúc với ô nhiễm không khí, tác động sức khỏe ở cấp độ dân số có thể là đáng kể.
Giáo sư Weisskopf giải thích: “Với số lượng lớn các trường hợp sa sút trí tuệ, việc xác định các yếu tố rủi ro có thể thay đổi được để giảm gánh nặng bệnh tật sẽ có tác động to lớn đến cá nhân và xã hội. Việc tiếp xúc với PM2.5 và các chất gây ô nhiễm không khí khác có thể thay đổi ở một mức độ nào đó bằng hành vi cá nhân, nhưng quan trọng hơn là thông qua quy định”.
Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2023-04-air-pollution-dementia.html, 5/4/2023