Phân chia ổ sinh thái dinh dưỡng của hai loài ếch cây Hyla simplex và Polypedates megacephalus tại Vườn Quốc gia Bến En

STNN - Nghiên cứu về sinh thái dinh dưỡng cung cấp thông tin quan trọng để hiểu về lịch sử tự nhiên, tài nguyên và đặc điểm sinh cảnh sống của loài. Ngoài ra, dinh dưỡng ảnh hưởng tới vai trò của loài trong hệ sinh thái và mối quan hệ của chúng với các loài khác, trong cạnh tranh và phân tách ổ sinh thái.
ech-cay-stnn-1729478149.jpg

(A) Ếch cây Hyla simplex; (B) Ếch cây Polypedates megacephalus.

Để nghiên cứu về dinh dưỡng ở các loài lưỡng cư, thành phần thức ăn trong dạ dày được thu thập để xác định các loại thức ăn và đánh giá mức độ quan trọng của chúng với loài, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cùng phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức tiến hành khảo sát tại Vườn Quốc gia (VQG) Bến En, tỉnh Thanh Hóa, thu thập và so sánh thành phần thức ăn của 02 loài ếch cây Hyla simplex và Polypedates megacephalus.

Ếch cây Hyla simplex Boettger, 1901 phân bố khắp từ miền trung đến miền bắc Việt Nam, mở rộng sang miền nam Trung Quốc và đông bắc Lào, ở độ cao từ 20 đến 1500 mét so với mực nước biển. Ếch cây Polypedates megacephalus Hallowell, 1861 phân bố rộng, bao gồm các khu vực từ Trung Quốc đến Nam Á, cụ thể là Campuchia, Ấn Độ, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, với độ cao từ 80 đến 2200 mét. Phạm vi phân bố của hai loài ếch cây này tại Việt Nam rất rộng, trải dài từ miền Bắc (Lạng Sơn, Sơn La, Vĩnh Phúc, Bắc Giang) đến miền Trung (Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Quảng Nam). Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu về thành phần thức ăn của hai loài ếch cây này. Nhóm nghiên cứu cung cấp dữ liệu đầu tiên về thành phần thức ăn của 02 loài H. simplex và P. megacephalus ở Vườn Quốc gia Bến En và phân tích thành phần thức ăn ngoài tự nhiên của chúng. Cụ thể, các mẫu thức ăn được thu thập bằng phương pháp thụt dạ dày không gây hại.

Tổng cộng 21 cá thể H. simplex và 36 cá thể P. megacephalus thu được ở VQG Bến En, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam, có thành phần thức ăn trong dạ dày. Nhóm nghiên cứu đã định loại được tổng cộng 134 con mồi là thức ăn của loài H. simplex (131 con mồi là động vật không xương sống và 03 con mồi không xác định) thuộc 20 họ khác nhau của 7 bộ động vật không xương sống. Ở loài P. megacephalus, thu được tổng cộng 218 con mồi (215 con mồi là động vật không xương sống và 03 con mồi không xác định) thuộc 22 họ của 11 bộ không xương sống.

Kiến (Formicidae) được xác định là con mồi quan trọng nhất của loài H. simplex (Ix = 57,04 %), trong khi đó hai họ mối Rhinotermitidae (Ix = 39,81 %) và Kalotermitidae (Ix = 31,39 %) là con mồi quan trọng nhất đối với loài P. megacephalus.

ech-cay-stnn-2-1729478149.jpg

Chỉ số quan trọng (Ix) của các loại thức ăn với hai loài ếch cây.

Trong nghiên cứu này, nhóm nhà khoa học ghi nhận có sự phân chia ổ sinh thái dinh dưỡng giữa 02 loài ếch cây H. simplex và P. megacephalus phân bố cùng sinh cảnh ở VQG Bến En. Cụ thể, chỉ có 6 loại con mồi được cả hai loài tiêu thụ, trong khi 17 loại con mồi của H. simplex không được tìm thấy trong phổ thức ăn của loài P. megacephalus, và 15 loại của loài P. megacephalus không được ghi nhận ở loài H. simplex.

Chỉ số Pianka (Ojk) cho thấy mức độ chồng chéo về dinh dưỡng thấp là 38, 95% (Ojk = 0, 3895; CI 95%: 0, 01- 0, 6317) giữa hai loài ếch cây. Mặc dù cùng tồn tại trong các môi trường sống tương tự nhau ở VQG Bến En, hai loài ếch này thường được quan sát thấy ở các vị trí kiếm ăn khác nhau. Sự khác biệt về vị trí tìm kiếm thức ăn này có thể giải thích cho mức độ chồng chéo thấp trong ổ sinh thái dinh dưỡng giữa chúng.

Đường dẫn bài báo liên quan: https://brill.com/view/journals/ab/73/4/article-p423_6.xml

Viện Hàn lâm KH&CN VN