Phát động trồng cây hưởng ứng Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán

STNN – Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 11,8 triệu ha, chiếm khoảng 35% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa.

Phát động trồng cây nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán
Hình minh họa - Nguồn: Internet.

Cục Lâm nghiệp cho biết, Việt Nam có khoảng 400 ha sa mạc tự nhiên. Tuy không phải quốc gia trọng điểm về sa mạc hóa nhưng suy thoái đất đã và đang diễn ra âm thầm trên nhiều khu vực, nhất là Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ.

Cũng theo Cục Lâm nghiệp, Việt Nam xuất hiện hiện tượng sa mạc hóa cục bộ ở các dải cát hẹp, trải dài dọc theo bờ biển miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Đây cũng là nơi có diện tích sa mạc hóa lớn nhất cả nước với hơn 400.000 ha.

Trong gần 40 năm qua, sự di chuyển của các đụn cát đã làm cho quá trình hoang mạc hóa diễn ra ngày một nghiêm trọng hơn. Mỗi năm có khoảng 10- 20 ha đất canh tác bị cát lấn, dẫn đến độ phì nhiêu của đất bị suy giảm mạnh.

Lĩnh vực lâm nghiệp, với trên 14,8 triệu ha đất có rừng, không những đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, còn là giải pháp chiến lược xanh góp phần quan trọng trong nỗ lực hạn chế hạn hán và sa mạc hóa.

Dù gặp nhiều khó khăn, ngành lâm nghiệp đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2023, trong đó có trồng rừng tập trung, giá trị xuất khẩu lâm sản, xây dựng cơ chế chính sách để thực thi Luật Lâm nghiệp ngày càng hiệu quả hơn.

Chính phủ Việt Nam đã ký tham gia, trở thành thành viên thứ 134 của Công ước chống sa mạc hóa (ngày 19/8/1998). Việt Nam luôn nỗ lực cam kết thực hiện Khung hành động của Công ước cũng như trách nhiệm của nước thành viên.

Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT là đơn vị chủ trì thực hiện Công ước chống sa mạc hóa, đã xây dựng Chương trình hành động quốc gia về phòng chống sa mạc hóa giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 và Đề án xác định mục tiêu tự nguyện cân bằng suy thoái đất quốc gia giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030.

Trần Thành