Phát huy tiềm năng kinh tế dưới tán rừng

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, khu vực trung du miền núi phía Bắc có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế dưới tán rừng, tuy nhiên, cần có tư duy và hành động một cách hệ thống để phát huy được lợi thế này.

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại Hội nghị

Ngày 3/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị Phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo các tỉnh trung du miền núi phía bắc và một số viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, hiệp hội và tổ chức liên quan.

Chưa khai thác hết tiềm năng dưới tán rừng

Theo báo cáo tại Hội nghị, vùng trung du miền núi phía Bắc có tổng diện tích rừng 5.731.460 ha, chiếm 39,6% tổng diện tích rừng toàn quốc; trong đó rừng tự nhiên khoảng 3.962 nghìn ha, bằng 38,6% diện tích rừng tự nhiên toàn quốc. Diện tích rừng trồng 1.796 nghìn ha, tập trung nhiều ở một số tỉnh như: Lạng Sơn (255 nghìn ha), Quảng Ninh (248 nghìn ha), Yên Bái (218 nghìn ha), Tuyên Quang (192 nghìn ha). Loài cây trồng chủ yếu là keo, bạch đàn, thông, quế,… và các loài cây bản địa khác.

Về đa dạng sinh học, đây cũng là vùng có thành phần loài động, thực vật phong phú với hơn 10.000 loài thực vật bậc cao, hơn 200 loài thú, 800 loài chim, 250 loài bò sát, hàng nghìn loài cá và loài côn trùng,…Trong đó, có tới hơn 6.000 loài thực vật cho lâm sản ngoài gỗ.

Bên cạnh đó, tổng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2020 của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc đạt hơn 7.750 tỷ đồng (chiếm 48,4% tổng thu của cả nước), bình quân mỗi năm thu khoảng 775 tỷ đồng. Riêng năm 2020 thu được 1.239 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại các tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc nếu triển khai tất cả các phương án giảm phát thải và đạt được lượng phát thải, đồng thời giữ mức phát thải của các diện tích còn lại ở mức bình thường, dự kiến sẽ có khoảng 51,27 triệu tấn CO2 có thể thương mại, với giá dự kiến 5 USD/tín chỉ CO2 thì tổng thu từ thương mại các-bon đạt khoảng 256 triệu USD cả giai đoạn 2021-2030, bình quân đạt 25,6 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển chế biến, xuất khẩu gỗ tại khu vực còn chưa tương xứng với tiềm năng của rừng. Các địa phương có gần 1,8 triệu ha rừng trồng sản xuất, chiếm 40,7% diện tích rừng trồng cả nước nhưng số doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản chỉ chiếm 12%, giá trị xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 6,6%.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, với sự đa dạng về tài nguyên rừng, địa hình, khí hậu, văn hóa…, các tỉnh trung du miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế dưới tán rừng như: cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ; các giá trị dịch vụ môi trường rừng gồm hấp thụ các bon, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng,…Tuy nhiên, những tiềm năng này vẫn chưa được khai thác sử dụng theo hướng đa mục đích. Diện tích rừng trồng mặc dù trữ lượng gỗ lớn, nhưng số lượng cơ sở chế biến sâu còn ít; chi phí vận chyển logistics tăng, giảm giá trị cạnh tranh,…

Theo đại diện của UBND tỉnh Sơn La, mặc dù có tiềm năng lớn, song đến nay việc trồng và phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh chỉ dừng lại ở mô hình, chưa chưa hình thành được vùng nguyên liệu tập trung, đủ lớn để gắn với công nghiệp chế biến. Việc phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng còn chưa gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm, trong đó đặc biệt đối với Sơn La năm 2021, việc tìm đầu ra, chế biến sản phẩm đối với quả sơn tra (táo mèo) gặp rất nhiều khó khăn.

Cần có tư duy và hành động một cách hệ thống

Để phát triển và sử dụng bền vững giá trị của rừng khu vực trung du miền núi phía Bắc, trong thời gian tới, sẽ phát triển, sử dụng rừng theo hướng đa chức năng, đa giá trị, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng, địa phương. Đổi mới mô hình tăng trưởng, từ dựa vào mở rộng diện tích và khối lượng sang tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp. Nâng cao giá trị các sản phẩm của rừng theo chuỗi, từ trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; xây dựng thương hiệu cho lâm sản, đẩy mạnh liên kết vùng.

Tại Hội nghị, đại diện UBND tỉnh Điện Biên kiến nghị Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành Trung ương sớm tham mưu ban hành cơ chế, hướng dẫn thực hiện chính sách cho thuê môi trường rừng để phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng. Xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tập trung đất đai để thực hiện các dự án phát triển nông, lâm nghiệp nói chung và phát triển kinh tế dưới tán rừng nói riêng. Đồng thời, nâng mức hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ lên khoảng 30 triệu đồng/ha để hỗ trợ, khuyến khích người dân tích cực tham gia phát triển lâm sản ngoài gỗ, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, khu vực trung du miền núi phía Bắc có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế dưới tán rừng, tuy nhiên, cần đánh thức được những giá trị này. Để làm được điều này, Bộ trưởng cho rằng, cần có cách tiếp cận theo hướng để người dân tự tạo ra được nền kinh tế dưới tán rừng, người dân thụ hưởng các thành quả mà mình tạo ra dưới sự giúp sức của các nhà khoa học, các chuyên gia. Bởi chính những người dân bản địa chính là những người có vai trò rất quan trọng trong việc giữ và bảo vệ rừng.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng chiến lược, dự án trình Chính phủ để tạo thêm về nguồn lực, thể chế nhưng điều quan trọng cần nhìn rừng với niềm tự hào mình là người của rừng, để từ đó, giúp bà con về giống tốt nhất, quy trình canh tác tốt nhất,…

Bên cạnh đó, cần thiết kế chuỗi ngành hàng có sự tích hợp với du lịch sinh thái,… để kích hoạt các sản phẩm của bà con dân tộc tạo ra. Hỗ trợ tạo ra thị trường để giúp bà con sản xuất sản phẩm, sau đó sẽ có thương lái đến mua. Đồng thời, giúp bà con về bao bì, đóng gói, công nghệ, chứng nhận xuất xứ, truy xuất nguồn gốc.

Bộ trưởng nhấn mạnh, cần nâng cao năng lực cộng đồng nông thôn; nâng cao năng lực của bà con ở vùng Tây Bắc, nâng cao các kỹ năng bán hàng, kinh doanh,… Từ đó giúp bà con nâng cao giá trị của sản phẩm tạo ra. Bộ trưởng cũng cho rằng, cần có tư duy hệ thống và hành động hệ thống để giúp phát huy tiềm năng kinh tế dưới tán rừng của vùng trung du miền núi phía Bắc.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây