STNN – Khát vọng và tầm nhìn của PRO Việt Nam là tất cả bao bì sản phẩm của các thành viên sản xuất và phân phối ra thị trường Việt Nam, sẽ được tái chế và phục hồi hoàn toàn tại Việt Nam vào năm 2030.
- Phú Yên: Trang trại bò sữa của Tập đoàn TH bị xử phạt 560 triệu đồng vì gây ô nhiễm môi trường
- Năm 2025 Việt Nam thu gom, xử lý, tái chế 85% lượng chất thải nhựa phát sinh
Mới đây, tại cuộc họp thường niên của Liên minh Tái chế Bao bì PRO Việt Nam, các thành viên liên minh đã cùng đưa ra cam kết thu gom và tái chế hơn 13.000 tấn bao bì trong năm 2023. Đồng thời, PRO Việt Nam cũng thông báo tại cuộc họp về việc xây dựng nền tảng cơ bản cho các mô hình thu gom và tái chế bao bì có khả năng nhân rộng, phù hợp với việc thực thi "Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất" (EPR - Extended Producer Responsibility) vào năm 2024.
Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (Packaging Recycling Organization Vietnam – PRO Vietnam) là một tổ chức bao gồm các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp trong nước có uy tín, nhiều kinh nghiệm, và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cao với môi trường và người tiêu dùng Việt Nam trong ngành công nghiệp hàng tiêu dùng, bao bì, bán lẻ và nhập khẩu được thành lập vào ngày 21/6/2019.
Là đơn vị tiên phong trong việc thực thi trách nhiệm xã hội và môi trường, quản trị (ESG), trong thời gian qua, PRO Việt Nam đã cùng các thành viên trong liên minh (như Ajinomoto Vietnam, An Nam Fine Food, Coca-Cola, Duy Tan Plastic, Frieslandcampina Vietnam, La Vie, Mondelez Kinh Do Vietnam, Nestlé Vietnam, Ngoc Nghia, Pepsico Foods Vietnam, RKW Vietnam, Saigon Co.op, SIG Vietnam, Suntory Pepsico Vietnam Beverage, Tetrapak Vietnam, TH Group, Thanh Thanh Cong – Bien Hoa, URC Vietnam) và các đối tác từ chính phủ đến các tổ chức quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường, VCCI, WWF, IUCN, ENDA…) đã thí điểm xây dựng các mô hình theo hướng tuần hoàn phù hợp với điều kiện thị trường và thói quen tiêu dùng tại Việt Nam. PRO Việt Nam cũng bắt đầu xây dựng nền tảng cơ bản cho các mô hình thu gom và tái chế bao bì có khả năng nhân rộng, phù hợp với việc thực thi "Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất" (EPR - Extended Producer Responsibility) theo Luật Bảo vệ môi trường (EPL - Environment protection Law) – vốn sẽ chính thức có hiệu lực áp dụng cho các loại bao bì của các thành viên đang sản xuất kinh doanh trong Liên minh vào ngày 01/01/2024.
Trong thời gian qua, PRO Việt Nam thực hiện nhiều nghiên cứu thương mại hoá các sản phẩm/nguyên liệu tái chế và đặc biệt là mong muốn tham gia của nhiều doanh nghiệp. Đợt hội nghị này, PRO Việt Nam đã chính thức kết nạp thêm 3 thành viên mới tham gia liên minh, bao gồm: Perfetti Van Melle, Vinaauslabels, Commercial Plastics Holding (CPH) đưa tổng số thành viên tham gia tổ chức liên minh tái chế bao bì PRO Việt Nam lên 21 thành viên và hai đối tác chiến lược về truyền thông báo chí là Báo Tuổi trẻ TP.HCM, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, đối tác về thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đa lớp Thuận An.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch của PRO Việt Nam cho biết: “Nguyên tắc chỉ đạo của PRO Việt Nam được xây dựng dựa theo các các khung định hướng của mô hình kinh tế tuần hoàn để đảm bảo được thực hiện nguyên tắc tiếp cận 3R - Giảm thiểu (Reduce), Tái sử dụng (Reuse) và Tái chế (Recycle) rác thải. Những nỗ lực này sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm và điều kiện sẵn có được cân bằng với việc làm cho Việt Nam sạch, xanh và phát triển bền vững. Khát vọng của PRO Việt Nam là tất cả sản phẩm của các thành viên sản xuất và phân phối ra thị trường Việt Nam, sẽ được tái chế và phục hồi hoàn toàn tại Việt Nam vào năm 2030. PRO Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu này bằng cách tăng cường nhận thức và tiếp cận vấn đề tái chế tại Việt Nam (tuyên truyền và giáo dục), làm việc tại các khu vực công cộng, tăng thêm các điểm thu gom, cải thiện việc thu gom và đảm bảo đủ năng lực tái chế, lúc nào cũng sẵn sàng để xử lý những gì được tiêu thụ. Những việc làm này, sẽ giảm xả rác, mang lại sức sống mới cho bao bì sau tiêu dùng, kể cả tạo ra thêm việc làm cho người lao động”.
Ông Trai tin rằng, dựa trên nguyên tắc “đồng kiến tạo giá trị” (creating shared value), khi tất cả các thành viên cùng làm việc với mục tiêu tái chế chung thì có thể đạt được kết quả nhanh hơn so với làm việc độc lập riêng lẻ từng công ty thành viên.
Tại cuộc họp thường niên này, PRO Việt Nam cũng thống nhất với các mục tiêu cụ thể trong năm 2023 của mình, bao gồm việc tự nguyện đăng ký trở thành tổ chức trung gian được ủy quyền theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường công nhận trong thời gian tới. Trước mắt, trong năm 2023, PRO Việt Nam sẽ thu gom và tái chế hơn 13 ngàn tấn bao bì (6 loại bao bì chính: bìa giấy, vỏ hộp giấy, nhựa PET, nhựa HDPE, bao bì đơn vật liệu mềm, bao bì đa vật liệu mềm, nhôm) với chi phí cạnh tranh hợp lý và khả năng gia tăng sản lượng; tiếp tục truyền thông thay đổi nhận thức về tiêu dùng; thu gom và tái chế rác thải nhựa; hỗ trợ người lao động hoạt động trong lĩnh vực thu gom. Ngoài ra, PRO Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Chính phủ trong việc triển khai thực thi EPR, triển khai các điều kiện bắt buộc tuân thủ về trách nhiệm thu gom và tái chế bao bì từ các doanh nghiệp thành viên một cách hiệu quả nhất.
Được biết, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam gồm những thành viên là các công ty FDI và Việt Nam hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ và nhập khẩu (gồm 18 thành viên và 3 thành viên mới) với cùng chung mong muốn góp phần vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp bằng việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn. Đây là một trụ cột quan trọng trong nguyên tắc 3R (Reduce – giảm thiểu, Reuse – tái sử dụng, Recycle – Tái chế).
PRO Việt Nam được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 21/6/2019. Để hiện thực hóa khát vọng của mình, PRO Việt Nam hướng đến bốn mục tiêu chính bao gồm: Nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác; Làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có; Thúc đẩy các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và sản xuất bao bì; Hợp tác với Chính phủ ủng hộ và phổ biến bộ nguyên tắc 3R (Reduce - Giảm thiểu, Reuse - Tái sử dụng và Recycle - Tái chế) trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là Recycle – Tái chế, đem đến vòng đời thứ hai cho những bao bì đã qua sử dụng.
Anh Đức – Thạch Thanh