Quảng Trị: phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là chủ trương, hướng đi đúng đắn, phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất cũng như đời sống của người dân nông thôn; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường, sinh thái của đất nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm nông nghiệp có đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế. Đồng thời “đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân. Chú trọng đầu tư vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp. Có chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp; từng bước hình thành các tổ hợp nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ công nghệ cao”. Nhiệm vụ và giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016 – 2020 là: “tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của nông dân”. Với mục tiêu tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM phồn thịnh và văn minh, tỉnh ta tiếp tục tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XII, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 20/4/2017 về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025; Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Chương trình hành động số 6053/CTHĐ-UBND của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy. Hiện nay, cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nông thôn của tỉnh tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn gắn với nhu cầu thị trường bảo đảm chất lượng vệ sinh thực phẩm. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; bố trí cơ cấu giống phù hợp diễn biến thời tiết, thị trường tiêu thụ, tăng cường kiểm soát dịch bệnh và hội nhập quốc tế. Năm 2020, các địa phương đã chuyển đổi hàng nghìn ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả, cây màu, tập trung cải tạo cơ cấu giống và áp dụng các quy trình thâm canh mới để nâng cao chất lượng sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao; các tổ chức, cá nhân tham gia thuê gom, tích tụ ruộng đất. Nhờ đó, cơ cấu ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp có sự thay đổi rõ nét, tỷ trọng sản phẩm gạo chất lượng cao, cá, rau quả các loại tăng rõ rệt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, thị trường trong nước và một phần phục vụ chế biến xuất khẩu. Trong sản xuất lúa, các địa phương đã tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao, ít nhiễm sâu bệnh và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo khép kín gắn với xây dựng thương hiệu như: sản phẩm gạo sạch Triệu Phong. Diện tích chuyên sản xuất lúa, rau màu, cây dược liệu không ngừng tăng; chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về cách thức tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung theo chuỗi khép kín. Ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao được mở rộng, nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học đã bước đầu hình thành và đang được phổ biến nhân rộng. Trong thủy sản, các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như: ngao, tôm thẻ chân trắng, cá vược được người dân lựa chọn để phát triển nhanh thành các vùng nuôi tập trung theo phương thức thâm canh, siêu thâm canh và ứng dụng công nghệ cao tạo sản lượng thủy sản hàng hóa với quy mô lớn. Các quy trình, công nghệ sản xuất nông sản an toàn theo hướng VietGAP theo công nghệ Nhật Bản và các tiêu chuẩn của châu Âu gắn với quản lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm được người dân áp dụng trong các chuỗi liên kết từ sản xuất tới chế biến và tiêu thụ. UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương tập trung quy hoạch vùng chăn nuôi, giảm tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư, thúc đẩy chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi trang trại, gia trại liên kết theo chuỗi giá trị. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi áp dụng công nghệ cao và hình thành các chuỗi giá trị khép kín trong chăn nuôi từ con giống, vật tư đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp từng bước được hình thành góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, đàn gia cầm duy trì ổn định số lượng, sản lượng thịt hàng năm đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Các địa phương tập trung phát triển và triển khai mạnh mẽ chương trình phát triển nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, cơ cấu các đội tàu có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm dần tàu có công suất nhỏ khai thác ven bờ, tăng dần loại tàu có công suất lớn khai thác xa bờ. Các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá sản xuất trên biển đã được tổ chức bài bản, khoa học theo mô hình hợp tác phát triển các tổ, đội hợp tác nghề cá thu hút đông đảo ngư dân, chủ tàu tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên biển, đảm bảo chủ quyền an ninh, quốc phòng biển, đảo và an toàn cho ngư dân. Công tác bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản vùng ven biển tiếp tục được tăng cường; nuôi thủy sản nội đồng được điều chỉnh cơ cấu hợp lý, phát triển bền vững; hình thành các vùng nuôi tôm, ngao tập trung, an toàn dịch bệnh. Công tác phát triển rừng được quan tâm chỉ đạo, việc trồng, chăm sóc, khai thác và bảo vệ rừng phát triển theo hướng thâm canh, các địa phương đã tích cực triển khai phát triển rừng ven biển để ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020, góp phần nâng cao hiệu quả phòng hộ bảo vệ an toàn hệ thống đê, kè biển. Tập trung xây dựng nông thôn, trong đó trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn. Kết quả xây dựng NTM đã tạo sự chuyển biến căn bản vùng nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng được cải tạo, nâng cấp theo hướng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương, phát triển kinh tế – xã hội trong thời điểm hiện nay và những năm tiếp theo.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì kinh tế nông nghiệp vẫn còn những hạn chế: Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chưa ổn định, thiếu bền vững, đang chủ yếu phát triển theo chiều rộng, quy mô còn nhỏ; chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nhiều sản phẩm còn thấp; an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm của người tiêu dùng. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn còn chậm, chưa hiệu quả. Tiến độ triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn đầu chậm. Đời sống người nông dân nhìn chung còn ở mức thấp, tích lũy để phát triển không được nhiều; chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa nông dân và thành phố còn chênh lệch, thu nhập của nông dân những địa phương truyền thống độc canh cây lúa còn thấp. Công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Tình trạng lao động nông thôn thiếu việc làm sau khi kết thúc mùa vụ sản xuất còn diễn ra ở nhiều nơi; ở một số địa phương lại thiếu lao động do đi làm ở các địa phương khác hoặc xuất khẩu lao động. Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã chưa cao.
Để phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn bền vững góp phần thực hiện thắng lợi Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của chủ trương, đường lối thực hiện phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới đến các cấp, ngành, địa phương và người dân. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để nhân ra diện rộng.
Hai là, hình thành được một số mô hình nông nghiệp theo hình thức quản lý công nghiệp, áp dụng phối hợp các công nghệ nông nghiệp hiện đại và máy móc cơ giới hóa đồng bộ, hướng tới nông nghiệp công nghệ cao; Hình thành được khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp và chế biến nông sản, cung cấp vật tư, thiết bị cho sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương; Hình thành chương trình du lịch sinh thái trải nghiệm đồng quê gắn với nông nghiệp. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ và lợi thế của từng vùng. Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, tập trung vào các loại cây, con đặc sản có giá trị kinh tế và chất lượng cao; hiện đại hoá công nghiệp bảo quản, chế biến, nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa. Phát triển ngành trồng trọt, hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung chuyên canh lúa cao sản, lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh rau màu, cây công nghiệp cung cấp nguyên liệu cho chế biến; duy trì diện tích đất lúa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài. Phát triển nhanh ngành chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại với phương thức công nghiệp, công nghệ hiện đại, an toàn dịch bệnh; tập trung cải tạo và nâng cao chất lượng giống, áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; tăng cường công tác thú y, phòng chống dịch bệnh; phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, chuyển diện tích nuôi thủy sản nước lợ sang nuôi tôm công nghệ cao; cơ cấu lại lực lượng đánh bắt gần bờ, phát triển nhanh lực lượng khai thác xa bờ theo hướng đầu tư trang bị phương tiện và công nghệ hiện đại, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tàu thuyền theo quy hoạch, hệ thống thông tin liên lạc, tìm kiếm cứu nạn.
Ba là, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo nguồn nhân lực phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, theo hướng: Đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp về ứng dụng khoa học công nghệ, kiến thức quản lý, khởi sự, quản trị doanh nghiệp, cập nhật chế độ chính sách, pháp luật. Đồng thời, đào tạo nghề mới để chuyển đổi nghề ngay trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động sang công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn. Tiếp tục huy động đa dạng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng. Chú trọng quảng bá thương hiệu, mẫu mã hàng hóa, phát triển thương mại điện tử; kết nối, xây dựng mối liên kết, hợp tác giữa danh nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, cung cấp nguyên vật liệu…Hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất nắm bắt thông tin, dự báo, điều chỉnh phương án sản xuất gắn với thị trường; tổ chức hệ thống cửa hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản truyền thống, duy trì và phát huy hiệu quả các Lễ hội sản phẩm nông sản, đặc sản.
Bốn là, bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Tuyên truyền, vận động toàn dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường; tập trung đầu tư công trình xử lý rác thải trong khu dân cư, khu công nghiệp, làng nghề ở nông thôn; vận động các hộ nông dân tổ chức sản xuất hữu cơ, xử lý chất thải chăn nuôi. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư khai thác và quản lý hoạt động xử lý rác thải với công nghệ hiện đại; tăng cường công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường, công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh, các trang trại, gia trại về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội ở nông thôn, hướng vào phục vụ dân, sát dân, vận động nhân dân tích cực phát triển sản xuất, kinh doanh, xoá đói, giảm nghèo và giữ vững các tiêu chí đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của nông dân, vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.

PV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây