Singapore đang gặp khó với nông nghiệp đô thị

STNN - Là đất nước phải nhập khẩu đến khoảng 90% nguồn lương thực, Singapore đã tìm cách đẩy mạnh sản xuất thực phẩm theo mô hình nông nghiệp đô thị bằng công nghệ cao nhằm đáp ứng được 30% nhu cầu dinh dưỡng quốc gia vào năm 2030. Tuy nhiên, việc phát triển theo mô hình này của Singapore đang gặp khó khi chi phí cao, nguồn vốn cạn kiệt thủ tục xin giấy phép rườm rà.

Phát triển nông nghiệp đô thị công nghệ cao

Sau khi giành độc lập vào năm 1965, các tòa nhà chọc trời và các dự án nhà ở tại Singapore mọc lên nhanh chóng. Khi các tòa nhà, các dự án nhà ở ngày càng phát triển, ngành nông nghiệp sẽ trở thành “nạn nhân” khi không còn nhiều đất đai để canh tác.

Theo thống kê, vào những năm 1970, cứ 10 người Singapore thì có một người làm nông nghiệp. Nhiều vườn cây ăn quả, trồng rau sạch, trang trại nuôi gia súc, gia cầm nằm rải rác trên quốc đảo này. Tuy nhiên, những năm sau đó, hầu hết những nghề này đã biến mất do có sự đô thị hóa nhanh chóng. Quá trình cạnh tranh do nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng dẫn đến đất dành cho sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp lại và hiện nay chỉ còn chiếm khoảng 1% diện tích của đất nước này, tập trung chủ yếu ở phía Bắc.

Việc đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp sẽ tỉ lệ thuận với nguồn cung lương thực tại chỗ của đất nước này bị giảm theo. Điều này đồng nghĩa với việc đất nước này phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn lương thực nhập khẩu. Với dân số gần 6 người và mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm gần 88 ngàn USD (năm 2023), nhưng Singapore lại có đến 90% lượng lương thực, thực phẩm tiêu dùng trong nước phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Là đất nước phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, Singapore đã rất nỗ lực để đầu tư, tạo điều kiện cho việc phát triển nền nông nghiệp.

Để giải quyết bài toán hạn chế sự lệ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu, khoảng một thập kỷ trước đây Chính phủ Singapore đã tiến hành xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị nhằm đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia.

Theo đó, năm 2014, Chính phủ Singapore đã công bố Quỹ năng suất nông nghiệp trị giá 63 triệu đô la Singapore (khoảng 47 triệu USD) để hỗ trợ các trang trại tăng sản lượng bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến. Cho đến nay, đã có hơn 100 trang trại tại các địa phương được hưởng lợi từ Quỹ này. Cơ quan lương thực Singapore (SFA) cũng đã đưa ra chương trình “30 by 30” vào năm 2019, với mục tiêu sản xuất 30% nhu cầu thực phẩm tại đất nước này vào năm 2030. Nhiều hộ gia đình Singapore đã nhận được các khoản tài trợ của Chính phủ để mở rộng sản xuất thực phẩm, nuôi trồng thủy sản.

Đến năm 2019, Singapore có 220 trang trại sản xuất nông nghiệp, trong đó có 122 trang trại nuôi cá trên biển và trên đất liền và phần lớn các trang trại cá ngoài khơi nằm ở eo biển Johor ở phía Bắc của hòn đảo này. Nuôi trồng thủy sản dọc trên cạn cũng đang được xem là một giải pháp thay thế để tăng sản lượng cá. Đồng thời, Singapore cũng liên kết với Brunei để xây dựng các trang trại nuôi cá thẳng đứng áp dụng công nghệ cao, đó là các trang trại được thiết kế nhiều tầng, có thể tiết kiệm được diện tích mặt bằng nhưng mang lại hiệu quả cao.

Với sự khuyến khích từ Chính phủ, người dân Singapore đã có những cách sáng tạo để bố trí trang trại trồng rau ở các khu vực khác nhau trong thành phố. Các trang trại đô thị được phát triển rất mạnh và sản xuất nông nghiệp được triển khai ở khắp nơi, tận dụng khoảng không trên các mái nhà, trên các sân thượng và ở những không gian chưa được tận dụng như dưới các gầm cầu để trồng trọt.

Thồng kê cho thấy, hàng năm mỗi người dân Singapore tiêu thụ khoảng 367 kg thực phẩm, trong đó bao gồm 46% trái cây và rau, 25% ngũ cốc và 29% thịt, trứng và hải sản. Kể từ khi áp dụng nông nghiệp đô thị bằng công nghệ cao, các trang trại sản xuất nông nghiệp của Singapore đã đáp ứng được 14% nhu cầu về rau ăn lá, 26% nhu cầu về trứng và 10% nhu cầu về cá.

Còn gặp nhiều khó khăn

Có thể thấy, với sự hậu thuẫn và khuyến khích từ Chính phủ, mô hình nông nghiệp đô thị tại Singapore đã phát triển rất mạnh mẽ và nguồn cung về lương thực nội tại của đất nước này cũng có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, đối với nông dân ở Singapore, nguồn tài trợ tập trung vào công nghệ không thể giải quyết được những vấn đề thực tế.

Khó khăn đầu tiên mà người nông dân Singapore đang gặp phải chính là đầu ra của sản phẩm. Chia sẻ với báo giới, một trang trại địa phương ở Singapore có khả năng cung cấp 500 kg rau mỗi ngày cho biết họ đã phải bỏ đi lượng rau xanh bị ế lại đến 40% do không có người mua. Bởi người mua không hài lòng với mức giá, khi mà sản phẩm địa phương có thể đắt hơn tới 20% so với hàng nhập khẩu.

Cụ thể, tại một số siêu thị ở Singapore, một gói rau cải làn 100 gam từ Trung Quốc được bán với giá 0,71 SGD (0,53 USD), trong khi một gói rau tương tự được trồng ở Singapore có giá 1,63 SGD/100g. Một bó rau mùi từ Thái Lan có giá 4,06 SGD/100g, trong khi loại tương tự được trồng tại địa phương có giá 5,10 SGD/100g.

Việc phát triển nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp đô thị công nghệ cao của Singapore đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, giá thành sản phẩm địa phương cao hơn giá thành nhập khẩu cũng là điều dễ hiểu, bởi chi phí sản xuất và chi phí vận hành theo công nghệ cao hơn nhiều so với truyền thống. Theo chia sẻ của một nông dân Singapore thì một trang trại trên mái rộng 200 m2 sẽ tốn khoảng 500 SGD/tháng để vận hành, trong khi một trang trại trong nhà có cùng quy mô cần hơn 7.000 SGD/tháng.

Tiếp đến là khó khăn khi nguồn vốn để phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao đang cạn kiệt, đơn cử như trường hợp startup nông nghiệp công nghệ cao LivFresh của doanh nhân Karthik Rajan (46 tuổi). Tọa lạc trên một khu đất rộng 2 hecta ở phía bắc của Singapore, trang trại của LivFresh cung cấp rau chân vịt, rau diếp và các loại rau xanh phổ biến khác khác cho các siêu thị lớn ở đảo quốc Sư tử kể từ năm 2022.

Công ty bắt đầu có lãi từ tháng Ba vừa qua nhưng vẫn có nguy cơ đóng cửa vào cuối năm nay. Bởi, trong vòng sáu tháng tới, doanh nhân này cần phải huy động được 10 triệu USD Mỹ cho LivFresh nếu không, sẽ phải rời khỏi thị trường.

Rajan cũng giống như hầu hết các đồng nghiệp khác, họ đang đối mặt với một tương lai không chắc chắn khi nguồn vốn cạn kiệt. Dòng tiền đầu tư vào startup nông nghiệp trong nước sụt giảm trong vài năm qua. Kể từ đầu năm 2023 đến nay, ít nhất 12 trang trại trồng rau công nghệ cao có quy mô lớn ở Singapore đã đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô hoạt động.

SFA thừa nhận, những thách thức mà các startup nông nghiệp đô thị đang đối mặt, bao gồm chi phí vận hành cao và thiếu nhu cầu để mở rộng quy mô. Theo SFA, số trang trại nông nghiệp trên đất liền và trên biển của Singapore vẫn ổn định ở con số 250 kể từ năm 2019. Nhưng từ thực tế, SFA cũng cho rằng tầm nhìn “30 by 30” là một tham vọng dài hơi.

Ngoài những khó khăn trên, thủ tục hành chính cồng kềnh ở Singapore cũng đang làm tăng thêm áp lực cho các doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực này và làm chậm sự phát triển của mô hình nông nghiệp đô thị theo công nghệ cao tại đất nước này.

Theo David Tan - CEO của startup thuật nông nghiệp Netatech, ước tính trong một số trường hợp, cần có sự phê duyệt của 10 cơ quan quản lý để có được một giấy phép canh tác duy nhất.

Tương tự, Victoria Yoong - Người sáng lập Atlas Aquaculture vào năm 2019 cũng chia sẻ, cô đã phải chờ hơn một năm để được cấp giấy phép bán cá mú nuôi ở trang trại cá. Quá trình xin giấy phép mất nhiều thời gian đến nỗi các bể nuôi cá của công ty tràn ngập nhưng con cá có trọng lượng gấp đôi mức lý tưởng, ít được thị trường ưa chuộng.

“Làm thế nào tôi có thể tự tin nói với các nhà đầu tư rằng việc làm nông nghiệp ở đây là ổn? Chúng tôi muốn đạt được những điều cơ bản nhưng chính phủ không hỗ trợ”, Victoria Yoong cho biết.

Anh Đức (t/h)