Phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh hay khôi phục xanh hiện đang là ưu tiên hàng đầu của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Tại Hội nghị triển khai "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050" diễn ra ngày 29/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thế giới đang diễn ra nhiều thay đổi quan trọng, đòi hỏi các quốc gia phải đổi mới mô hình tăng trưởng để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm.
Tăng trưởng xanh là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam
Mới đây, “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, chiến lược đặt ra bốn mục tiêu quan trọng gồm: Giảm phát thải khí nhà kính; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và Xanh hóa quá trình chuyển đổi.
Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Đảng ta đã sớm xác định tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và các cấp chính quyền, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức xã hội.
Những thập niên qua, những tiến bộ vượt bậc của khoa học, công nghệ, những đột phá của cách mạng 4.0 đã đem đến nhiều cơ hội cho tăng trưởng. Xu hướng đầu tư cho các hoạt động sản xuất thông minh, xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, công nghiệp và nông nghiệp thông minh… đã và đang trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, mô hình khai thác tài nguyên thiên nhiên ở quy mô không bền vững gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu… đồng thời kéo theo nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác cũng như ảnh hưởng đến cơ hội kinh tế cho các thế hệ tương lai.
Để giải quyết bài toán này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Tăng trưởng xanh thực sự đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới, đặc biệt đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Lựa chọn tăng trưởng xanh cũng được coi là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng bao trùm cho các quốc gia, đảm bảo các lợi ích kinh tế và sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên”.
Đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính
Mục tiêu đầu tiên của chiến lược tăng trưởng xanh là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP tiếp tục kế thừa chiến lược giai đoạn trước, nhằm đánh giá khả năng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính so sánh trên một đơn vị sản lượng kinh tế, giúp xác định được mức độ thân thiện của nền kinh tế với môi trường khi quy mô của nền kinh tế ngày càng tăng, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa bảo vệ môi trường, vừa gắn kết chặt chẽ với phát triển “nhanh, bền vững”.
Chiến lược đặt ra mốc đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Việt Nam là một trong số quốc gia chịu sự tác động của biến đổi khí hậu. Hiện tổng lượng bụi ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM tăng cao khiến chất lượng không khí tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.
Rõ ràng rằng những năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội thì tốc độ đô thị hoá tại thành phố nhanh, sự di dân tự do từ các tỉnh về thành phố lớn, việc xây dựng các công trình, khu chung cư... dẫn đến những thách thức lớn từ ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính.
Để đạt được những mục tiêu trên, Chính phủ cũng đưa ra các định hướng chiến lược để phát triển như: Tập trung nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số; phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững.
Đồng thời, nâng cao hiệu suất và hiệu quả trong sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp. Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng. Từng bước hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh.
Theo Thu Hà/Kinh tế Môi trường