Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Quy mô, giá trị nông nghiệp của Nghệ An rất lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam

STNN - Ngày 21/10, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có buổi làm việc quan trọng với tỉnh Nghệ An về tình hình sản xuất nông nghiệp, công tác phòng chống dịch bệnh, xây dựng chuỗi chăn nuôi an toàn trên địa bàn.

Đồng chí Phùng Đức Tiến và Đoàn công tác tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Nghi Quang (Nghi Lộc, Nghệ An) - Ảnh: Ngọc Linh

Tiếp và làm việc với Đoàn, có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Nghệ An.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã nghe báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm của Nghệ An. Trong 10 tháng đầu năm 2022, ngành NN&PTNT đã tích cực làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh, chỉ đạo các địa phương, đơn vị tích cực thực hiện kế hoạch năm 2022.

Công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, đàn gia súc, gia cầm… luôn được chú trọng; tập trung xử lý kịp thời các loại dịch bệnh phát sinh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi, đảm bảo sản xuất hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022.

Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, vụ Hè Thu vừa qua được mùa, năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng tăng khá, năng suất lúa vụ Xuân đạt 66,37 tạ/ha, vụ Hè Thu ước đạt 51,67 tạ/ha; sản lượng gỗ khai thác, thủy sản tăng khá..., nên giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp (GRDP) ước đạt 20.385,179 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 4,77%, trong đó nông nghiệp tăng 4,47%; lâm nghiệp tăng 7,46% và thủy sản tăng 4,62%. Giá trị sản xuất nông, lâm ngư nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước đạt 39.887,788 tỷ đồng, tăng 4,69%. Hiện nay, đã có 377 phường, xã bố trí chức danh thú y, đạt tỷ lệ 82%.

Đồng chí Trần Xuân Học, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An báo cáo kết quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh Nghệ An trong 10 tháng đầu năm 2022.

Cũng trong buổi làm việc, UBND tỉnh Nghệ An đã có những đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT một số nội dung, như: Các Bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng: nâng cấp cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão, kè chắn cát tại một số cửa lạch trọng điểm nhằm đảm bảo tàu cá có đủ điều kiện cập cảng chỉ định bốc dỡ hàng hóa, nâng cao giá trị sau khai thác.

Đồng chí Phùng Đức Tiến và Đoàn công tác tham quan mô hình nuôi gà công nghệ cao tại xã Nghi Văn (Nghi Lộc, Nghệ An) - Ảnh: Ngọc Linh

Đầu tư, nâng cấp hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, phòng trừ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh hướng tới mục tiêu ngành thuỷ sản của tỉnh phát triển bền vững.

Đề nghị Bộ NN& PTNT sớm nghiên cứu, ban hành Thông tư quy định thành lập lực lượng kiểm ngư tại các tỉnh. Hỗ trợ tỉnh thu hút các nhà máy giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi hoặc các doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục hỗ trợ vắc xin và hóa chất cho Nghệ An trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản, để tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản sau mưa lũ.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Thứ trưởng Bộ NN& PTNT đã đánh giá quy mô, giá trị nông nghiệp của Nghệ An rất lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam và nhận định thời gian từ nay đến cuối năm hết sức khó khăn, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, cùng các cơ quan trực thuộc của Bộ cần chủ động, tích cực phòng chống các dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN& PTNT phát biểu kết luận buổi làm việc - Ảnh: Ngọc Linh

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý tỉnh tập trung quan tâm, bảo vệ chăm lo thường xuyên đối với cây lúa và các loại cây lương thực khác để đảm bảo an ninh lương thực; phát triển thương hiệu cây cam.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: Ngọc Linh

Đối với lĩnh vực thủy sản, tỉnh cần có kế hoạch, chiến lược để phát triển theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng; đồng thời tái cơ cấu ngành chăn nuôi thông qua phát triển số lượng các trang trại, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ; tái lập Trạm chăn nuôi, thú y ở cấp huyện. Còn đối với lĩnh vực nông nghiệp cần rà soát đất nông lâm trường để có giải pháp phù hợp nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tin, ảnh: Ngọc Linh