Thúc đẩy hợp tác nông sản hữu cơ Việt Nam – Đức

STNN - Sáng ngày 11/2, Thương vụ Việt Nam tại CHLB Đức đã phối hợp cùng Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tổ chức chương trình giao thương, kết nối doanh nghiệp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản hữu cơ Việt Nam với các doanh nghiệp Đức và châu Âu.
thuc-day-hop-tac-nong-san-viet-duc-1-1739419717.png
 

Tham dự chương trình, phía Việt Nam có Lãnh đạo Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức và 15 doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam; phía Đức có Lãnh đạo Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Đức Naturland, đại diện Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Đức tại Việt Nam và các doanh nghiệp thực phẩm của Đức và châu Âu (như the Premium Food), các doanh nghiệp nhập khẩu hàng châu Á tại Đức (như công ty TNHH Trần Soan…).

Phát biểu chào mừng, bà Đặng Thị Bích Hường, Phó Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết đây là lần thứ 8 liên tiếp, Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOAA) đã tổ chức Khu gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Biofach. Các doanh nghiệp Việt Nam tham dự năm nay có các sản phẩm đa dạng hơn, bên cạnh các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm truyền thống như trà (công ty Bắc Hà), cà phê (FNB Việt Nam, Godere Việt Nam), gia vị, quế hồi, tiêu (tập đoàn Mạnh Cường, tập đoàn Hanfimex, Visimex Sài Gòn), hạt điều (Long Sơn) hay các sản phẩm từ mật hoa dừa của Sokfarm còn có các sản phẩm thiên nhiên như dầu gội, sữa tắm organic của ONA Global… Nhiều sản phẩm Việt Nam đạt được các chứng nhận quốc tế như: JAS Control Union Certificattions, Bio Trade, USDA Organic, For Life, Global Gap...

thuc-day-hop-tac-nong-san-viet-duc-2-1739419717.png
 

Đại diện Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Đức Naturland, ông Marco Schluter – phụ trách chiến lược và hợp tác quốc tế đã chia sẻ đến các doanh nghiệp một số thông tin về thị trường Đức – thị trường hữu cơ lớn thứ hai trên thế giới. Ông cho biết Naturland đã có mặt tại 60 nước và hoạt động năng động tại Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines và Việt Nam. Trong 4 năm vừa qua, Naturland đã thực hiện dự án hỗ trợ VOAA trong quá trình phát triển chiến lược và mở rộng phạm vi dịch vụ dành cho các thành viên VOAA. Dự án được Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) tài trợ.

Ông Schlüter bày tỏ sự vui mừng được hỗ trợ VOAA và các doanh nghiệp thành viên đến với Biofach và kết nối với ngành hữu cơ thế giới, ngoài mục đích đẩy mạnh hoạt động thương mại nông sản hữu cơ thì còn mục đích lớn hơn là cùng nhau nỗ lực bảo vệ môi trường và tái tạo hệ sinh thái toàn cầu.

Chia sẻ thêm về trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Đức, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản hữu cơ, bà Đặng Thị Thanh Phương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức cho biết trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Đức đã liên tục tăng trưởng trong những năm qua. Năm 2024, theo số liệu thống kê của Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa hai nước đạt 11,7 tỷ USD trong đó Việt Nam xuất khẩu 7,43 tỷ USD. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong ASEAN trong đó xuất khẩu nông sản chiếm khoảng hơn 12% xuất khẩu của Việt Nam sang Đức, tuy nhiên các sản phẩm hữu cơ chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong kim ngạch xuất khẩu này. Việt Nam hiện đang mở rộng vùng trồng và sản xuất các sản phẩm hữu cơ trong khi Đức là một trong những nước dẫn đầu về sản xuất hữu cơ trên thế giới. Đây là cơ hội tốt cho hợp tác trong ngành hữu cơ của hai bên. Vì vậy, Thương vụ Việt Nam mong muốn doanh nghiệp hai bên kết nối tăng cường kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này.

Phiên kết nối B2B diễn ra sôi động với sự tham dự của các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Đức cũng như các doanh nghiệp của các nước khác tham dự Hội chợ.

PV