Người phụ nữ dám nghĩ, dám làm
Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, chúng tôi có dịp công tác tại xã Đồng Nai (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Tại đây, một đồng nghiệp làm báo cho biết có một người phụ nữ dân tộc M’nông rất bản lĩnh. Chị dám nghĩ, dám làm và hết lòng với nông nghiệp hữu cơ. Hiện tại, chị giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, nên từ nhỏ chị Thị Khưi (40 tuổi, ngụ tại xã Đồng Nai) đã gắn bó với cây điều. Tại nơi chị sinh sống, người dân chủ yếu canh tác theo phương pháp truyền thống, dẫn đến mùa màng thường thất thu. Vì vậy, chị luôn trăn trở và tìm cách phát triển kinh tế từ chính cây điều bản địa.
Tỉnh Bình Phước được coi là “thủ phủ hạt điều” của Việt Nam, vùng đất đỏ bazan màu mỡ nổi tiếng thuộc vùng Đông Nam Bộ, nơi cây điều phát triển rất tốt và cho hạt chất lượng thơm ngon. Hiện nay, tỉnh có diện tích trồng điều rộng hơn 152.000 ha, chiếm gần 50% tổng diện tích trồng điều của cả nước. Tỉnh cũng có hơn 1.416 cơ sở chế biến và doanh nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50.000 lao động địa phương và lao động từ các tỉnh thành khác.
Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã xác định rõ tầm quan trọng của ngành điều đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, và ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/4/2020 về phát triển ngành điều Bình Phước giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết này đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho ngành điều của tỉnh.
Mặc dù có nhiều thế mạnh là vậy, nhưng bà con địa phương thường kinh doanh nhỏ lẻ, dẫn đến việc bị các thương lái ép giá. Điều này khiến chị Thị Khưi ấp ủ kế hoạch thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Nghĩ là làm, chị tập hợp những người cùng chí hướng để canh tác và xây dựng chuỗi liên kết với các công ty lớn, nhằm đảm bảo khâu tiêu thụ sản phẩm với giá tốt nhất.
Năm 2022, chị Thị Khưi thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch. “Hiện, hợp tác xã có 165 thành viên, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động tại Thôn 5 và một số thôn lân cận. Vùng nguyên liệu của hợp tác xã trải rộng hơn 1.000 ha. Hợp tác xã đã mang lại cho gia đình tôi sự phát triển kinh tế bền vững và ổn định, đồng thời giúp nhiều người dân vươn lên thoát nghèo”- chị Thị Khưi chia sẻ.
Liên kết tiêu thụ sản phẩm, giúp nhiều người thoát nghèo
Mặc dù tỉnh Bình Phước khuyến khích phát triển liên kết vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ, song khi mới đi vào hoạt động, Hợp tác xã Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch gặp nhiều khó khăn. Đa số thành viên hợp tác xã là người đồng bào dân tộc thiểu số, nên còn hạn chế trong việc hiểu rõ vai trò và lợi ích của việc tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị. Ý thức tuân thủ hợp đồng hợp tác của một số thành viên chưa cao; đồng thời, năng lực quản lý vùng nguyên liệu và quản lý hợp đồng liên kết chuỗi của ban quản lý hợp tác xã khi đó chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Ngoài ra, một số vườn điều đã trở nên già cỗi, nhưng thành viên hợp tác xã không dám phá bỏ vườn cũ để chuyển đổi mô hình vì lo ngại mất chi phí đầu tư giống, vật tư chăm sóc; mất nguồn thu nhập, không có tiền sinh sống trong những năm tiếp theo. Việc sản xuất điều theo các tiêu chuẩn hữu cơ đòi hỏi chi phí đầu tư cao, khiến nhiều thành viên, đặc biệt là các hộ nghèo và cận nghèo, không có khả năng tham gia. Bà con cũng không dám cải tạo vườn bằng giống mới vì chưa thấy được hiệu quả rõ ràng; không những vậy, kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn điều của các thành viên vẫn còn hạn chế.
Khó khăn là thế nhưng chị Thị Khưi và các thành viên hợp tác xã không hề nhụt chí. Chị đã kết nối, mời các công ty có chuyên môn về địa phương, hướng dẫn người dân về khoa học kỹ thuật và chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Hợp tác xã còn hỗ trợ thành viên tổ hợp tác tiền xăng để phát cỏ theo diện tích mỗi năm, cũng như hỗ trợ trả chậm khoản vay không lãi suất khi thành viên và bà con vay mua phân bón đầu tư cho vườn rẫy. Nhờ những nỗ lực đó, hợp tác xã đã giúp nhiều người dân vươn lên thoát nghèo.
Bà Thị Poi (thôn 5, xã Đồng Nai) cho biết: “Cây điều là nguồn thu nhập chính của nhiều thế hệ trong gia đình tôi, thế nhưng việc canh tác theo lối truyền thống cho năng suất bấp bênh, khiến cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Rất may, nhờ được chị Thị Khưi mời tham gia hợp tác xã, vườn điều 13 ha của gia đình tôi đã giúp tăng thu nhập. Gia đình tôi đã học được cách chăm sóc điều hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ cỏ hay thuốc trừ sâu, mà chủ yếu dùng phân trùn quế và phân trâu, bò đã được ủ. Việc chăm sóc theo hướng hữu cơ đã giúp cây điều xanh tốt quanh năm, cho năng suất cao.”
Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Đinh Xuân Hòa cho biết: “Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch, chị Thị Khưi đã phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm của mình. Minh chứng là hợp tác xã đã xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm hạt điều hữu cơ với các công ty lớn và đối tác nước ngoài, xuất khẩu sản phẩm hạt điều sang thị trường châu Âu. Về phía địa phương, xã luôn hỗ trợ hợp tác xã thực hiện đúng các quy trình và thủ tục để hoạt động hiệu quả nhất.”
Trong vụ mùa năm 2023, Hợp tác xã Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch đã bao tiêu 1.700 tấn điều thô với giá cao hơn thị trường 500 đồng/kg. Đồng thời, hợp tác xã phối hợp cùng các công ty xuất khẩu tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác điều theo hướng hữu cơ cho các thành viên, thu hút hơn 254 lượt người tham gia. Hợp tác xã còn hỗ trợ 270 hộ với vật tư và máy móc phục vụ sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng đồng bộ. Ngoài ra, hợp tác xã thường xuyên tạo công ăn việc làm cho khoảng 15 lao động là người dân tộc thiểu số tại địa phương, với mức tiền công lao động hàng tháng bình quân từ 6 đến 7 triệu đồng.