STNN - Ngày 23/05/2024, Hội nghị “Thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2024 - Tinh hoa hàng Việt, cất cánh toàn cầu” đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Vụ Âu Mỹ (Bộ Công Thương), lãnh đạo AGS VN và đại diện hàng trăm doanh nghiệp, với mục tiêu hỗ trợ và thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
- Chợ Đỉnh Điện Biên – Tôn vinh nông sản Việt
- Hàng Việt vươn tầm thế giới: “Tinh hoa hàng Việt, cất cánh toàn cầu”
Cơ hội đặc biệt cho nông sản và sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ thương mại điện tử xuyên biên giới
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, doanh số thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đã tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua. Dự báo thị trường thương mại điện tử toàn cầu sẽ đạt 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025, mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Việt Nam có lợi thế vượt trội về nông sản với các sản phẩm như cà phê, gạo, hạt điều, và trái cây nhiệt đới. Thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, các sản phẩm này không chỉ tiếp cận được thị trường quốc tế mà còn xây dựng được thương hiệu mạnh mẽ. Thực tế cho thấy, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên Amazon đã tăng gấp 110 lần chỉ sau 5 năm, minh chứng cho tiềm năng và sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử xuyên biên giới.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam như gốm sứ, mây tre đan, và đồ gỗ mỹ nghệ cũng là những mặt hàng có tiềm năng lớn khi xuất khẩu thông qua Amazon. Các sản phẩm này không chỉ phản ánh văn hóa và tinh hoa của người Việt mà còn đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và sử dụng của người tiêu dùng quốc tế. Việc đa dạng hóa các mặt hàng thủ công mỹ nghệ giúp doanh nghiệp Việt phát huy lợi thế và tạo ra sự khác biệt trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, việc tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử lớn như Amazon vẫn còn nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực về thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu thông tin về xu hướng và quy định của thị trường nước ngoài, cùng với kỹ năng xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng và bảo vệ thương hiệu vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, các doanh nghiệp khu vực phía Bắc gặp khó khăn trong việc tận dụng lợi thế vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng logistic để phục vụ quá trình sản xuất và xuất khẩu.
Giải pháp, sáng kiến nhằm tăng cường năng lực, liên kết ngành nghề, tăng trưởng cùng thương mại điện tử xuyên biên giới
Để khắc phục những khó khăn trên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm phát triển thị trường và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng. Đồng thời, hợp tác với Amazon Global Selling Việt Nam thông qua sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới, nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị, Amazon Global Selling Việt Nam đã công bố giai đoạn 2 của chương trình hợp tác với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông qua sáng kiến “Liên kết ngành nghề - Tăng trưởng cùng thương mại điện tử xuyên biên giới”. Chương trình sẽ phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng quan trọng để thúc đẩy và tăng cường năng lực thương mại điện tử xuyên biên giới cho các ngành hàng đầu tàu cho xuất khẩu.
Tương lai xán lạn cho nông sản và thủ công mỹ nghệ Việt Nam
Với sự hỗ trợ từ các sáng kiến này, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tốt hơn các cơ hội từ thương mại điện tử xuyên biên giới. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tối ưu chi phí, ứng dụng công nghệ số và cải thiện logistics, thanh toán quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức và đạt được thành công bền vững trên thị trường toàn cầu. Sự kết hợp giữa tiềm năng sản phẩm và nền tảng thương mại điện tử hiện đại như Amazon hứa hẹn mang đến những bước phát triển vượt bậc cho nông sản và sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam, đóng góp tích cực vào nền kinh tế số của đất nước
Vân Anh