
Nguyên nhân là do những hạn chế như nước đầu vào chỉ được lắng lọc thô sơ mà không qua xử lý, thức ăn chủ yếu từ tự nhiên, không được kiểm soát… Bởi vậy, đa phần nông dân Cần Giờ chỉ ương giống đến giai đoạn cấp 1, sau đó bán lại hoặc vận chuyển đi vùng khác ương tiếp. Quá trình này gây tốn kém do chi phí vận chuyển cao và tiếp tục làm giảm tỷ lệ sống của giống sò.
Để nghề sản xuất giống sò huyết đạt hiệu quả cao hơn, đáp ứng nhu cầu con giống, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã triển khai các cải tiến kỹ thuật trong sản xuất giống sò huyết, gồm: xử lý nước để phòng tránh dịch hại trong ao ương; nhân nuôi sinh khối vi tảo làm thức ăn trong ương nuôi thay thế cho việc gây màu trực tiếp trong ao nuôi; ương giống sò huyết cấp 2 nhằm thay thế cho việc chuyển sò giống đi khu vực khác, làm giảm tỷ lệ sống của sò.
Cụ thể, bể lọc xử lý nước được thiết kế gồm ba ngăn: bể 1 lọc thô (chủ yếu lọc rác, xác động thực vật cũng như địch hại của sò huyết trong nước); bể 2 lọc tinh (lọc các mùn bã mịn trong nước); bể 3 được lắp đặt hệ thống đèn UV để diệt khuẩn, giúp hạn chế sự tồn tại của mầm bệnh trong nước nuôi.
Bên cạnh đó, ao chứa nước sau xử lý được lót bạt, bổ sung chế phẩm vi sinh (chế phẩm probiotic trong xử lý nước do Xưởng sản xuất sinh học thực nghiệm thuộc Trung tâm sản xuất) với liều 100g/1.000 m³ nhằm giảm chất hữu cơ dư thừa và hạn chế vi khuẩn gây hại. Nhiệt độ nước thích hợp cho ương nuôi sò huyết giống được xác định từ 26,7 – 31,5oC, độ mặn 20-27‰, pH từ 7,5-8,3, hàm lượng oxy hòa tan 5-5.6mg/l.
Ngoài ra, tảo giống - gồm Chaetoceros sp., Nannochloropsis sp., Isochrysis sp. - được nuôi cấy trong điều kiện phòng thí nghiệm trước khi nhân sinh khối trong ao. Mật độ cực đại (giúp đảm bảo đủ dinh dưỡng và ổn định chất lượng nước trong quá trình ương nuôi) của các giống tảo Chaetoceros sp., Isochrysis sp. và Nannochloropsis sp. lần lượt đạt 0,43 × 10⁶ tb/ml, 11,16 × 10⁶ tb/ml và 20,57 × 10⁶ tb/ml. Đây là các giống tảo giàu dinh dưỡng, kích thước nhỏ, thay thế cho việc gây màu lên tảo trực tiếp (là quá trình tạo môi trường thuận lợi cho tảo phát triển bằng cách bón phân kích thích tảo phát triển, kiểm soát môi trường nước cho đủ ánh sáng, độ kiềm,… Cách này vừa không đảm bảo dinh dưỡng, thành phần thức ăn cho ương nuôi vừa khó kiểm soát chất lượng nước ao ương).

Trong quá trình ương giống từ ấu trùng xuống đáy đến sò huyết cấp 1, bổ sung cát và bùn non để làm nền đáy cho ấu trùng phát triển, cho ấu trùng ăn hỗn hợp tảo nuôi sinh khối. Sau 25 - 27 ngày từ khi xuống đáy, ấu trùng sò huyết phát triển thành sò giống cấp 1. Sau bảy tuần ương, sò giống đạt kích cỡ từ 1,1mm - so với 0,9mm trong ao đối ứng (chỉ thả giống, thức ăn phụ thuộc vào tự nhiên). Tỷ lệ sống của ấu trùng đáy đến giống cấp 1 đạt khoảng 20% - so với 11,5% trong mô hình đối chứng.
Trong giai đoạn từ cấp 1 đến cấp 2, sò được ương nuôi tại bãi gần cửa sông, có chất đáy là bùn mềm, diệt địch hại trước khi thả giống. Ngoài ra, bổ sung định kỳ men vi sinh cho khu ương 7 – 10 ngày/lần và thêm tảo mật độ cao để tăng cường khả năng miễn dịch cho sò. Kết quả, ở giai đoạn này, tỷ lệ sống của sò giống đạt 21,43%, so với khoảng 10% ở mô hình đối chứng.
Quy trình cải tiến kỹ thuật sản xuất giống sò huyết đã được nhóm hoàn thiện, chuyển giao cho hộ dân tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, mở ra cơ hội nhân rộng, đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng cao cho thị trường và tăng thu nhập cho người dân địa phương.