STNN - Vào cuối tháng trước, chuyến tàu hàng đầu tiên chở ngô Brazil đã khởi hành đến Trung Quốc. Công ty tàu vận tải Brazil cho biết, tàu chở khoảng 68.000 tấn ngô.
Điểm đến của chuyến hàng này là COFCO Group (China Oil and Foodstuffs Corporation), nhà chế biến, sản xuất và kinh doanh thực phẩm lớn nhất Trung Quốc, có địa chỉ ở quận Triều Dương, Bắc Kinh).
Bộ Nông nghiệp Brazil cho biết, việc Brazil bắt đầu xuất khẩu ngô sang Trung Quốc là một cột mốc quan trọng, “là một thời điểm lịch sử”. Ngay từ năm 2014, Trung Quốc và Brazil đã ký thỏa thuận cho phép ngô Brazil thâm nhập thị trường Trung Quốc, nhưng việc nhập khẩu bị hạn chế bởi nhiều vấn đề.
Tháng 5/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp Brazil đã ký Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với ngô Brazil xuất sang Trung Quốc, mở đường cho ngô của Brazil. Đầu tháng 11/2022, phía Hải quan Trung Quốc đã cho phép 136 doanh nghiệp Brazil được phép xuất ngô sang Trung Quốc.
Trước đây, phần lớn ngô được nhập vào Trung Quốc là từ Mỹ và Ukraine. Năm 2021, hai nước này lần lượt chiếm 70% và 29% tổng lượng ngô nhập khẩu của Trung Quốc.
Varney, một nhà phân tích tại công ty môi giới nông nghiệp Brazil dự đoán, sẽ có nhiều tàu chở ngô đến Trung Quốc hơn. Chính phủ Brazil cho biết, động thái này có thể thúc đẩy xuất khẩu ngô sang Trung Quốc, định hình lại dòng chảy thương mại toàn cầu.
Xem xét các yếu tố như chính sách nhập khẩu và chu kỳ gieo trồng, dự kiến ngô Brazil sẽ bắt đầu được chuyển đến Trung Quốc với số lượng lớn vào cuối quý II năm 2023 và sẽ đến Trung Quốc vào quý III.
Tại sao nhập khẩu từ Brazil?
Sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ, nguồn cung lương thực toàn cầu đầy bất ổn và việc nhập khẩu ngô của Trung Quốc ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ - một kênh duy nhất.
Mỹ, Trung Quốc và Brazil là ba quốc gia sản xuất ngô hàng đầu trên thế giới và Brazil đương nhiên là lựa chọn để phát triển các kênh nhập khẩu ngô.
Ngô của Brazil chủ yếu được chia thành hai vụ: vụ thứ nhất được thu hoạch vào tháng 2 hàng năm, chiếm khoảng 22% sản lượng cả năm, chủ yếu dùng để cung cấp trong nước, nên từ tháng 1 đến tháng 6 là vụ trái vụ để xuất khẩu; vụ thứ hai xuất khẩu ồ ạt, thời gian thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, thời vụ xuất khẩu từ tháng 7 đến tháng 11, trùng với thời điểm kỳ giáp hạt ngô của Trung Quốc.
Ngay từ năm 2014, Trung Quốc và Brazil đã ký thỏa thuận cho phép ngô Brazil vào thị trường Trung Quốc, nhưng nhập khẩu chậm lại do vấn đề kiểm dịch thực vật vào thời điểm đó. Từ quan điểm địa lý, thời gian vận chuyển từ Brazil dài hơn so với từ Hoa Kỳ và chi phí cao hơn, điều này khiến nhiều công ty Trung Quốc nản lòng. Do đó, mặc dù hai nước đã ký kết các hiệp định liên quan, nhưng từ năm 2014 đến nay, ngô của Brazil xuất khẩu sang Trung Quốc rất ít.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng ngô của Brazil trong những năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng sản lượng của thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng tổng lượng xuất khẩu của nước này cao tới 26%, đứng thứ hai thế giới.
Ảnh hưởng của giá ngô
Trong vài tháng qua, lượng ngô từ Hoa Kỳ và Ukraine nhập khẩu vào Trung Quốc có sụt giảm. Những người tham gia thị trường tin rằng, điều này sẽ có tác động nhất định đến giá ngô toàn cầu, làm chậm tốc độ và số lượng xuất khẩu ngô của Hoa Kỳ, đồng thời làm giảm giá xuất khẩu ngô của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, cũng có dữ liệu cho thấy, Mexico có nhu cầu lớn đối với ngô của Mỹ và việc tăng mua hàng của họ đã bù đắp cho việc Trung Quốc giảm nhu cầu đối với ngô của Mỹ, điều này có tác dụng hỗ trợ giá ngô của Mỹ.
Báo cáo doanh số xuất khẩu hàng tuần của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, từ đầu năm đến nay, tổng doanh số xuất khẩu ngô của Mỹ (bao gồm khối lượng hợp đồng đã xuất khẩu và chưa giao) là 17,75 triệu tấn, giảm 48,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng ngô Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 3,5 triệu tấn, giảm 70,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngô Brazil hiện rẻ hơn ngô Mỹ. Ngô ở Brazil chủ yếu là ngô loại 2. Do ảnh hưởng của phương pháp trồng và thu mua, nên tỷ lệ hư hỏng của ngô thương phẩm Brazil tương đối cao (8-10%), tương đương với ngô thương phẩm Mỹ thu hoạch bằng máy móc lớn nên nhiều tạp chất.
Theo phân tích, giá ngô nhập khẩu có thể tăng 80 - 100 nhân dân tệ/tấn so với ngô trong nội địa Trung Quốc.
Chử Cường (TH)