Kenya lần đầu xuất khẩu bơ sang Trung Quốc

STNN – Nông nghiệp là ngành trụ cột của hầu hết các nước châu Phi, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp là nguồn thu ngoại hối và tài chính chính của các nước này. Trong những năm gần đây, thương mại nông sản Trung Quốc – châu Phi tiếp tục đi vào chiều sâu, ngày càng có nhiều nông sản chất lượng cao của châu Phi vào thị trường Trung Quốc, thể hiện mối quan hệ kinh tế thương mại hai bên cùng có lợi.

Nhân viên nhà máy Sunrip tiến hành những bước chuẩn bị cuối cùng cho việc xuất xưởng lô container bơ tươi đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.

Từ đông lạnh sang tươi

Ngày 02/8, nhà máy Sunrip ở Limuru, Kenya đã tổ chức lễ xuất khẩu bơ tươi lần đầu tiên sang Trung Quốc. Lô bơ chứa đầy 4 container đã được đóng gói, vận chuyển ngay trong ngày và bán đến các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu… Đây là lần đầu tiên bơ tươi châu Phi được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bơ là một sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu quan trọng của Kenya, chiếm gần 1/2 tổng lượng trái cây xuất khẩu của cả nước này. Kenya cũng là nước xuất khẩu bơ lớn nhất ở lục địa châu Phi và đứng thứ 6 trên thế giới. Năm 2021 Kenya xuất khẩu 84.500 tấn bơ, với các thị trường chính bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Xê Út, Nga, Hà Lan, Pháp…

Trong những năm gần đây, Kenya đang nỗ lực phát triển thị trường Trung Quốc. Năm 2018, lần đầu tiên bơ Kenya đã được giới thiệu tại Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc để chuẩn bị thâm nhập thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, do sự phổ biến của ruồi giấm ở Kenya vào thời điểm đó, Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu bơ đông lạnh từ Kenya. Vào tháng 9/2019, lô bơ đông lạnh Kenya đầu tiên đã đến sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải.

Sau 4 năm phân tích một cách nghiêm ngặt về nguy cơ dịch hại, bơ tươi Kenya cuối cùng đã vượt qua tất cả các yêu cầu kiểm tra xuất nhập khẩu của hai nước. Bơ tươi xuất khẩu phải được ngâm, làm sạch, chải, hái, loại bỏ những quả kém chất lượng, không được còn cành, lá, rễ, đất… để đảm bảo bơ xuất khẩu không mang sinh vật gây hại.

Vào tháng 1/2022, Trung Quốc và Kenya đã ký Nghị định thư về xuất khẩu bơ tươi Kenya sang Trung Quốc. Ngày 1/6, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ra thông báo cho phép Kenya xuất khẩu bơ tươi đáp ứng yêu cầu kiểm dịch sang Trung Quốc. Ngày 27/7, 72 kg mẫu bơ tươi Kenya đã được vận chuyển sang Trung Quốc để kiểm tra hải quan.

Công nghệ dây chuyền lạnh tiên tiến cùng quá trình kiểm tra nghiêm ngặt giúp bơ tươi Kenya đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng khi vào thị trường Trung Quốc dự tính vụ năm nay nước này nhập khẩu hơn 150 container và sang vụ mới 2023 sẽ nhập tới 1.500 container bơ tươi Kenya.

Những quả bơ được kiểm tra đang chờ làm sạch và đóng gói.

Giúp nông dân xóa đói giảm nghèo

Ông David Orsini, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp hóa, Thương mại và Phát triển Doanh nghiệp Kenya, cho biết: “Việc xuất khẩu bơ tươi sang Trung Quốc là một cột mốc quan trọng, sẽ làm tăng thu nhập ngoại hối của Kenya, thúc đẩy nền kinh tế, điều này sẽ mang lại lợi ích cho đa số nông dân, đặc biệt là nông dân trồng bơ.”

Ernest Mutomi, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Bơ Kenya, cho biết: “Xuất khẩu bơ tươi Kenya sang Trung Quốc có thể mang lại lợi nhuận vô cùng lớn. Trung Quốc có một thị trường khổng lồ, bởi vậy có thể hỗ trợ hàng triệu nông dân trồng bơ ở Kenya.”

Theo Mutomi, bơ xuất khẩu từ Kenya có thể bán với giá 0,38 đô la Mỹ mỗi quả trên thị trường quốc tế, nhưng chỉ bán được khoảng 0,04 đô la Mỹ ở thị trường nội địa.

Nông dân Richard Tuwe đến từ hạt Nandi, Kenya hào hứng nói với các phóng viên: “Với việc mở cửa thị trường Trung Quốc, giá thu mua bơ ở đây đã tăng gấp đôi. Năm nay có thể nói là bội thu”.

Tuwe tin rằng xuất khẩu bơ sang Trung Quốc sẽ là một bước ngoặt kinh tế cho hạt Nadi và thậm chí cho cả đất nước Kenya. Ngày càng có nhiều nông dân Kenya chuyển sang trồng bơ, trong tương lai bơ sẽ “qua mặt” chè và cà phê – vốn là những cây được coi là thế mạnh tại địa phương.

Ông Tuwei cũng cho biết, do sâu bệnh nên sản lượng bơ do ông trồng bị hạn chế, bơ tươi không thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Để sản phẩm mình làm ra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, ông đã đăng ký tham gia các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng kiểm soát dịch hại để bơ của mình khi thu hoạch sẽ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Grace Ngugi đến từ Kiambu, Kenya, trước đây thuộc giới “cổ cồn trắng”. Khi thị trường Trung Quốc dần mở cửa cho Kenya, cô bỏ công việc đang làm và bắt đầu trồng bơ. Cô cho rằng việc mở cửa thị trường Trung Quốc sẽ thay đổi sâu sắc “luật chơi” của thị trường nội địa và vượt qua các thị trường châu Âu và Mỹ đang ngày càng ế ẩm. “Vào được thị trường Trung Quốc thành công là một thắng lợi lớn của nông dân Kenya” – cô nói.

Trương Ích Tuấn, Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Kenya cho biết: “Kenya đã trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên xuất khẩu bơ tươi sang Trung Quốc, đây là một minh chứng nữa cho thấy tình hữu nghị sâu sắc giữa hai nước. Kenya có tiềm năng xuất khẩu bơ rất lớn sang Trung Quốc, và điều này sẽ tạo ra những cơ hội mới trong tương lai. Nhiều cơ hội việc làm hơn, mang lại lợi ích cho ngày càng nhiều nông dân địa phương.”

Nhân viên đóng gói bơ vào hộp tại nhà máy Sunrip ở Limuru, Kenya.

Tiềm năng xuất khẩu lớn

Trương Ích Tuấn giới thiệu rằng trong ba năm qua, lượng bơ xuất khẩu của Kenya đã tăng đều đặn, nhưng lượng xuất khẩu mới chỉ chiếm 10% tổng sản lượng của nước này. Hiện tại, nhu cầu thị trường ở Trung Quốc vẫn đang tăng và bơ Kenya sẽ mở ra triển vọng thị trường rộng lớn ở Trung Quốc.

Chính phủ Kenya đã dự đoán rằng thị trường Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 40% lượng bơ của nước này, khiến đây trở thành thị trường tiêu thụ bơ ở nước ngoài lớn nhất của đất nước.

Ông Đỗ Công Minh Tổng giám đốc Công ty Shanghai Guorui Technology, một nhà nhập khẩu Trung Quốc cho biết: “Tiêu chuẩn nhập khẩu bơ của nước tôi rất cao. Tiêu chuẩn cao đã cản trở nhiều nhà xuất khẩu bơ tiềm năng nhưng nhu cầu trong nước rất lớn. Đối với khoảng trống thị trường này, sử dụng bơ Kenya chất lượng cao để lấp vào, cũng là sự lựa chọn đúng đắn”.

Bơ Kenya phát triển ở độ cao 1.000-3.000 mét gần đường xích đạo, có đủ ánh nắng và lượng mưa dồi dào, với nhiệt độ tối đa 28°C vào ban ngày và 12-15°C vào ban đêm. “Môi trường trồng trọt độc đáo đã tạo ra chất lượng cao của bơ Kenya, với màu sắc tươi sáng, hương vị tinh tế, phong phú và lớp thịt quả dày.”

Mùa bơ ở Kenya bắt đầu từ giữa tháng 2 hàng năm và kéo dài đến tháng 11. Mùa chính của nó có thể bù đắp cho bơ trái vụ ở các nước xuất khẩu bơ Nam Mỹ như Mexico và Peru.

Hassi Shah, Tổng giám đốc công ty xuất khẩu Sunrip, tin rằng để có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Trung Quốc, ngoài việc đảm bảo chất lượng bơ, cũng cần nỗ lực cải thiện khả năng cạnh tranh theo định hướng thị trường của Kenya. Các ngành chức năng của Kenya cần tạo thuận lợi để bơ Kenya vào sâu thị trường Trung Quốc.

Chính phủ Kenya tuyên bố trong tương lai sẽ giảm bớt thủ tục giấy tờ xuất khẩu, đơn giản hóa quy trình xuất khẩu, tăng tốc xuất khẩu bơ, đồng thời nhân cơ hội này để thúc đẩy nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của địa phương vào thị trường Trung Quốc.

Kể từ Hội nghị cấp cao Bắc Kinh của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi năm 2018, 25 loại nông sản và thực phẩm từ 14 quốc gia châu Phi bao gồm Kenya, Nam Phi, Benin và Ai Cập đã được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu nông sản châu Phi lớn thứ hai, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của xuất khẩu nông sản châu Phi sang Trung Quốc đạt 11,4%. Năm 2021, xuất khẩu nông sản của châu Phi sang Trung Quốc sẽ tăng 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 8 của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi vào tháng 11/2021, Trung Quốc tuyên bố sẽ thiết lập “kênh xanh” cho các nước châu Phi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, mở rộng hơn nữa phạm vi xuất khẩu sản phẩm từ châu Phi sang Trung Quốc với đối xử bằng không thuế quan, và phấn đấu nhập khẩu từ châu Phi trong 3 năm tới đạt 300 tỷ USD.

Ngày 2/8, các nhân viên của nhà máy Sunrip đã tổ chức lễ khởi hành lô container bơ tươi đầu tiên của Kenya được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân ngày 16/8 cho biết, Chính phủ Trung Quốc coi trọng việc tăng cường hợp tác nông nghiệp Trung Quốc – châu Phi và tích cực thúc đẩy việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ châu Phi mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn.

Trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu lặp đi lặp lại và sự phục hồi kinh tế yếu kém, sự tăng trưởng ổn định của thương mại nông sản Trung Quốc – châu Phi sẽ mang lại động lực ổn định cho sự phục hồi kinh tế của châu Phi.

Lê Thúy (theo Tân hoa tài kinh)

 

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây