STNN - Trung Quốc là nước nhập khẩu gỗ lớn nhất và tiêu thụ gỗ lớn thứ hai thế giới. Bình quân mỗi năm nước này thiếu hơn 100 triệu mét khối gỗ, hơn 50% phụ thuộc vào nước ngoài và lượng gỗ tròn nhập khẩu vượt hơn 1/3 lượng giao dịch toàn cầu.
Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng sự an toàn về gỗ của quốc gia, trong "Phương án tổng thể cải cách thể chế hệ văn minh sinh thái" xác định rõ chế độ thành lập hệ thống rừng dự trữ quốc gia. Theo yêu cầu của Quốc vụ viện về xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn gỗ, trong năm 2012, Trung Quốc đã khởi động công trình xây dựng rừng dự trữ quốc gia, đến năm 2022 phạm vi xây dựng đã bao gồm 29 tỉnh (khu tự trị, thành phố), sáu tập đoàn ngành lâm nghiệp lớn và Binh đoàn kiến thiết sản xuất Tân Cương.
Gần đây, Cục Lâm nghiệp và Thảo nguyên Quốc gia (gọi tắt là Cục Lâm thảo) công bố, Trung Quốc đã xây dựng tổng cộng hơn 92 triệu mẫu (1 mẫu TQ bằng 667m2) rừng dự trữ quốc gia, với tổng kinh phí xây dựng hơn 140 tỷ nhân dân tệ (khoảng 490 nghìn tỉ VND). Trương Lợi Minh (Zhang Liming) Giám đốc Trung tâm Sinh thái của Cục Lâm thảo cho biết, trong 10 năm qua, Nhà nước đã thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng các khu rừng dự trữ quốc gia và kết quả đạt được rất đáng chú ý.
Trữ lượng gỗ được gia tăng một cách hiệu quả. Trong 10 năm qua, tổng trữ lượng trong khu vực xây dựng dự án đã tăng 270 triệu mét khối, với mức tăng trữ lượng trung bình hàng năm khoảng 10,8 mét khối/ha, sản lượng gỗ tích lũy thông qua rừng dự trữ quốc gia khoảng 150 triệu mét khối.
Đổi mới tài chính đạt kết quả tích cực. Để thúc đẩy việc xây dựng các khu rừng dự trữ quốc gia, năm 2015, Cục Lâm thảo cùng với các ban ngành và tổ chức tài chính liên quan đã xây dựng và ban hành thời hạn cho vay từ 25 đến 30 năm, thời gian ân hạn lên đến 8 năm; lãi suất chuẩn và tỷ lệ vốn tối thiểu là 20%. Trong bảy năm qua, các tổ chức tài chính có liên quan đã mở rộng khoản tín dụng trị giá hơn 320 tỷ nhân dân tệ cho các tỉnh (khu tự trị và thành phố tự trị) có liên quan cho các dự án xây dựng rừng dự trữ quốc gia và cấp các khoản vay tài chính tổng cộng hơn 110 tỷ nhân dân tệ. Đồng thời, tất cả các địa phương đang tích cực tìm kiếm các cách như thế chấp quyền sở hữu rừng của đối tượng cho vay thống nhất, hợp tác giữa Chính phủ và vốn xã hội, đồng thời hình thành khuôn khổ tài chính rừng dự trữ quốc gia gồm "Chính phủ chủ đạo, hỗ trợ tài chính, xã hội tham gia, đầu tư đa dạng”.
Đẩy mạnh thực hiện các chiến lược lớn của quốc gia. Trên cơ sở xây dựng các khu rừng dự trữ quốc gia, các địa phương phát triển mạnh các ngành công nghiệp xanh như chế biến lâm sản, du lịch rừng, chăm sóc sức khỏe rừng, kinh tế dưới rừng…, nâng cao giá trị sản lượng các dịch vụ văn hoá sinh thái rừng, tăng thu nhập sản xuất công nghiệp và thúc đẩy các chiến lược quốc gia lớn về xóa đói giảm nghèo và chấn hưng nông thôn. Theo thống kê, trong 10 năm qua việc xây dựng rừng dự trữ quốc gia đã tạo ra hơn 3,6 triệu việc làm và thu nhập từ sản lượng gỗ đã vượt quá 150 tỷ nhân dân tệ, quy tụ các doanh nghiệp gia công quanh các khu rừng dự trữ quốc gia với hơn 2.700 doanh nghiệp.
Trương Lợi Minh cho biết, vào năm 2022, Cục Lâm thảo tăng cường hơn nữa thiết kế cấp cao nhất về xây dựng rừng dự trữ quốc gia và đã liên tục xây dựng "Kế hoạch thực hiện xây dựng rừng dự trữ quốc gia trong 5 năm lần thứ 14", “Biện pháp quản lý xây dựng rừng dự trữ quốc gia”... Phấn đấu trong giai đoạn "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" xây dựng rừng dự trữ quốc gia hơn 36 triệu mẫu, tăng trữ lượng hơn 70 triệu mét khối.
Ngô Lễ Quân (Wu Lijun), thanh tra cấp một của Cục Lâm thảo nói với các phóng viên, chính sách hỗ trợ xây dựng rừng dự trữ quốc gia chủ yếu bao gồm hai khía cạnh. Một là chính sách hỗ trợ tài chính. Các dự án xây dựng rừng dự trữ được hưởng các chính sách hỗ trợ tài chính của Trung ương như hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản, hỗ trợ tài chính của Trung ương để trồng rừng, hỗ trợ chăm sóc rừng…, đầu tư trong dự toán Trung ương có thể được sử dụng làm vốn dự án. Đồng thời, nhà nước cung cấp chiết khấu lãi suất tài chính cho các khoản vay để bảo tồn rừng; đề cập đến chính sách trợ cấp bảo hiểm rừng quốc gia đối với rừng phúc lợi công cộng, rừng dự trữ nhà nước được bao gồm trong phạm vi trợ cấp bảo hiểm rừng từ Chính phủ Trung ương. Hai là chính sách hỗ trợ tài chính. Ngoài chính sách cho vay tài chính để xây dựng rừng dự trữ quốc gia, năm 2021, Cục Lâm thảo phối hợp với Ngân hàng Phát triển Quốc gia, kéo dài thời gian cho vay đối với các dự án xây dựng rừng dự trữ quốc gia tại các tỉnh liên quan lên 40 năm.
Lê Thuý (theo Nhật báo kinh tế)