Ứng dụng SMART trong quản lý rừng và đa dạng sinh học tại Việt Nam

STNN – SMART là công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra, được xây dựng nhằm cải thiện khả năng thực thi pháp luật và giám sát đa dạng sinh học tại các Vườn quốc gia/Khu bảo tồn.

SMART (Spatial Monitoring and Reporting Tool) được phát triển bởi sự hợp tác đa phương giữa các tổ chức bảo tồn và các tổ chức liên quan bao gồm: Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Chương trình giám sát săn bắn voi trái phép của CITES (CITES-MIKE), Hội động vật Frankfurt (FZS), Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (Re:wild – tiền thân là Global Wildlife Conservation, GWC), Vườn thú Bắc Carolina (NCZ), Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS), Hiệp hội Động vật học London (ZSL) và Quỹ quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF).

Tính đến hết ngày 31/12/2021, Việt Nam có 14.745.201ha; trong đó, rừng tự nhiên là 10.171.757ha; rừng trồng là 4.573.444ha, được quản lý bởi nguồn nhân lực hạn chế, chưa được trang bị các thiết bị hiện đại dẫn đến việc thu thập, tổng hợp, và xử lý dữ liệu của cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, SMART đã được áp dụng tại hơn 70 quốc gia với trên 1.000 Vườn quốc gia/Khu bảo tồn trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, có khoảng hơn 30 khu đã sử dụng phần mềm này.

SMART được xem như một cụ thu thập và quản lý dữ liệu hiệu quả bởi việc xây dựng các truy vấn, báo cáo giúp người dùng có thể lấy được thông tin mình cần một cách chính xác và nhanh, thể hiện được một số yếu tố trên bản đồ và mở rộng quản lý với các hoạt động khác của Vườn quốc gia/Khu bảo tồn.

Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam và các bên liên quan khác trong khuôn khổ dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học rừng và các dịch vụ hệ sinh thái ở Việt Nam” (dự án BIO) đã tiến hành chuẩn hóa mô hình dữ liệu SMART và giới thiệu Sổ tay Hướng dẫn áp dụng SMART trong toàn bộ hệ thống vườn quốc gia và khu bảo tồn.

Với việc SMART được áp dụng đồng bộ và thống nhất trên toàn quốc, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên rừng và đa dạng sinh học sẽ được hình thành. Việc quản lý, giám sát tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học của các cơ quan quản lý từ trung ương đến cơ sở sẽ được thông tin tốt hơn, thúc đẩy quản lý rừng bền vững – góp phần giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng.

Được biết, trong thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ phối hợp với GIZ và các bên liên quan cập nhật thường xuyên mô hình dữ liệu hiện tại theo tiêu chuẩn quốc tế, giới thiệu và triển khai ứng dụng SMART trên toàn bộ hệ thống rừng phòng hộ tại Việt Nam. Đồng thời, khung hoạt động của mạng lưới SMART cũng sẽ được hoàn thiện nhằm đẩy nhanh việc chính thức thành lập mạng lưới này và tăng cường hợp tác, trao đổi các vấn đề liên quan đến SMART giữa các ban quản lý rừng phòng hộ tại Việt Nam.

Ngọc Lâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây