Vẫn còn gần 5.000 xe chở nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn

Sau khi có ý kiến của Chính phủ, các bộ ngành trung ương và tỉnh Lạng Sơn, hoạt động thông thương hàng hoá nông sản tại cửa khẩu đã có những chuyển biến tích cực.

Việc ùn tắc nông sản do nước bạn siết biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Thạch Thảo.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, trong ngày hôm qua (22/12), cửa khẩu Hữu Nghị làm thủ tục thông quan cho khoảng 100 xe chở hàng nông sản, trái cây sang bãi tải hàng Pò Chài (Quảng Tây, Trung Quốc). Hiện vẫn còn gần 5.000 phương tiện đang xếp “nốt”, chờ đợi ở khu vực cửa khẩu.

Các ngành chức năng địa phương vừa tiến hành hội đàm với phía Trung Quốc và có những gợi mở tích cực .

Vấn đề căn bản để xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới Việt- Trung giai đoạn này là làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tỉnh Lạng Sơn đã triển khai việc khảo sát lắp đặt thêm trạm khử khuẩn theo yêu cầu của phía bạn từ chiều 21/12.

“Có thể một vài ngày tới, các cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng), Chi Ma (huyện Lộc Bình) sẽ nối lại hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bình thường. Nếu được như vậy sẽ giảm tải tình trạng ùn ứ nông sản hiện nay ở Lạng Sơn”, ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn thông tin.

Ông Duy cũng cho biết, hiện Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu đã lắp đặt 23 nhà vệ sinh công cộng, phục vụ nước nóng và tắm miễn phí 24/24. Lực lượng chức năng cũng được tăng cường ở khu vực cửa khẩu, tuyên truyền đến chủ hàng, lái xe thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch bệnh.

Được biết, hiện đang là thời điểm “vàng” tiêu thụ hàng nông sản của Việt Nam tại Trung Quốc. Sự kiện đón Noel, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp tới, nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi nước ta ở thị trường nước bạn là rất lớn, tuy nhiên do khan hiếm hàng, các chủ hàng, đối tác Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao nếu đưa được nông sản của ta sang biên giới. Cũng chính vì vậy, nhiều xe chở nông sản vẫn đổ về biên giới Lạng Sơn, bất chấp tình trạng ùn ứ kéo dài.

Trước tình trạng cứ cuối năm lại ùn tắc tại cửa khẩu biên giới, theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), cần có giải pháp phù hợp theo hướng đường dài, nhằm đảm bảo xuất khẩu bền vững chứ không chỉ những vụ việc trước mắt.

Nhấn mạnh về chất lượng hàng nông sản Việt Nam, ông Long cho rằng, hiện nay Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại, mở rộng quan hệ với nhiều đối tác. Do vậy nếu hàng hóa đạt tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu thì Việt Nam sẽ tìm được nhiều thị trường khác.

“Tuy nhiên, việc sản xuất phải linh hoạt, không thể sản xuất một cách ồ ạt, theo phong trào, mà phải có sự lựa chọn theo định hướng, quy hoạch của từng địa phương. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các doanh nghiệp đầu mối cần phải đảm bảo trách nhiệm, có năng lực cả về quan hệ quốc tế, kinh nghiệm trong xuất khẩu nông sản và tiềm lực về kinh tế cũng như kinh nghiệm trong xuất khẩu.

Nhằm giảm thiểu rủi ro, tìm hướng đi bền vững cho xuất khẩu nông sản, Việt Nam phải hiện đại hóa nền nông nghiệp, xây dựng các thương hiệu thực phẩm sạch, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay”, ông Long nói.

Ngày nào lái xe cũng mở thùng lạnh để kiểm tra trái cây vì lo sợ sẽ hư hỏng khi mắc kẹt ở cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Thạch Thảo.

Nhiều chuyên gia khác cũng nhấn mạnh, thay vì việc họp hành, ban hành các văn bản trên giấy thì cơ quan chức năng, chính quyền các cấp phải sâu sát, có quy hoạch vùng trồng phù hợp, phải đến tận nơi để khảo sát, định hướng, giúp nông dân, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa một cách bài bản, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Không phủ nhận nguyên nhân khách quan do dịch COVID-19 gây nên nhưng lý do chính khiến câu chuyện này lặp đi lặp lại đó là do doanh nghiệp thiếu sự chủ động trong việc điều tiết hàng hóa. Chính điều này khiến tình trạng tắc nghẽn tại cửa khẩu diễn ra nhiều lần, nhiều năm, chứ không riêng gì khi COVID-19 xuất hiện…

Giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, để giảm thiểu rủi ro mỗi khi cửa khẩu ùn ứ hoặc thị trường Trung Quốc có những thay đổi đột ngột, các doanh nghiệp đang tích cực tìm thêm thị trường mới. Ví dụ, thanh long xuất sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Ấn Độ… Tuy nhiên, một thực tế là thị phần của các thị trường khác còn nhỏ, không thể so với thị trường Trung Quốc.

Trong bối cảnh như trên, chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng giải pháp trước mắt vẫn là cần tích cực làm việc với phía Trung Quốc. Cùng với đó là giảm bớt lượng hàng lên biên giới xuất khẩu sang Trung Quốc bằng cách đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu thêm vào các thị trường khác.

Về lâu dài, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chế biến và xem lại cơ cấu mặt hàng rau quả xuất khẩu, kế hoạch sản xuất, quy hoạch cây trồng, thời vụ để chủ động điều tiết đầu ra trong các vụ mùa tiếp theo. Đặc biệt, nông thủy sản Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Đức… Khi đó, hàng Việt mới không lo cảnh bị lệ thuộc vào thị trường nào.

 

Theo Sức khỏe và Đời sống

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây