Vi phạm bản quyền hay vi phạm quyền tác giả?

Hỏi: Trong tuần qua, Đài Truyền hình Việt Nam và các báo mạng điện tử đưa tin về vụ việc vi phạm bản quyền ca khúc “Giấc mơ trưa” giữa nhạc sỹ Giáng Son và Công ty truyền thông BH Media. Trong quá trình đọc và xem những thông tin trên báo chí, truyền hình, tôi không hiểu các thuật ngữ “vi phạm bản quyền”,“vi phạm quyền tác giả”. Xin Ban bạn đọc Tạp chí Sinh thái Nông nghiệp cho biết những quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, cụ thể là những quy định về “vi phạm bản quyền”, “vi phạm quyền tác giả”; và xin cho biết: Vụ việc giữa ca sỹ Giáng Son với Công ty truyền thông BH Media được coi là dạng vi phạm bản quyền hay vi phạm về quyền tác giả?

Nhạc sĩ Giáng Son (Ảnh VOV)

Trả lời: Trong đời sống sinh hoạt thường ngày, cũng như đời sống văn hóa nghệ thuật, giới văn nghệ sĩ hay dùng cụm từ “bản quyền” để nói đến việc sáng tạo tác phẩm nghệ thuật của một người nghệ sĩ nào đó. Bản quyền là một hình thức bảo hộ của luật pháp đối với tác giả của “các tác phẩm gốc của tác giả”, bao gồm tác phẩm văn học, sân khấu, âm nhạc, nghệ thuật và các tác phẩm trí tuệ khác. Hình thức bảo hộ này được áp dụng chung với các tác phẩm đã được xuất bản cũng như chưa được xuất bản. Vi phạm bản quyền là việc sử dụng các tác phẩm nói chung được bảo vệ bởi luật pháp một cách trái phép, trừ khi có sự cho phép chủ sở hữu.

Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, không có thuật ngữ pháp lý “bản quyền” mà thay vào đó là “quyền tác giả” để đề cập đến phạm trù này. Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định chỉ có “quyền tác giả” và “quyền liên quan” trong đó quyền liên quan là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, các chương trình phát song, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do họ sáng tạo ra hoặc sở hữu. Tác giả có quyền đăng ký hay không đăng ký bản quyền, bởi quyền tác giả được phát sinh ngay sau khi sáng tạo ra tác phẩm.
Vi phạm quyền tác giả là hành vi chiếm đoạt, sao chép, mạo danh tác giả, công bố, phân phối tác phẩm, sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả mà không có sự đồng ý của tác giả/chủ sở hữu.

Điều 28 -Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung quy định những hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm:
1. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
2. Mạo danh tác giả.
3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.
4. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.
5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.
7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.
8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.
9. Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
10. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
11. Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
12. Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
13. Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.
14. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
15. Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.
16. Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Ca sỹ Giáng Son là người sáng tác bài hát và hòa âm, phối khí bài hát “Giấc mơ trưa” là người hoàn toàn có đầy đủ về quyền tác giả. Mọi cá nhân, tổ chức khi sử dụng bài hát hay bản hòa âm, phối khí của ca khúc trên mà không xin phép được sự đồng ý của nhạc sỹ Giáng Son đều được coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ. Công ty truyền thông BH Media đã ký hợp đồng với một đối tác trung gian là Hồ Gươm Audio mà không xin phép tác giả để cho mình có toàn quyền sở hữu về bản hòa âm phối khí và khai thác thương mại trên mạng Internet có thể nói là hành vi vi phạm quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

Trên đây là giải đáp của chuyên gia cho câu hỏi mà quý độc giả gửi tới Diễn đàn. Mọi thắc mắc, xin quý độc giả liên hệ email: toasoan@sinhthainongnghiep.net.vn.

Luân Phạm

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây