Việt Nam là cường quốc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vấn đề gây suy nghĩ cho ngành nông nghiệp

Là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam lại là nước nhập khẩu lúa mì, ngô, đậu tương làm thức ăn chăn nuôi lớn nhất Đông Nam Á. Dự báo, đến năm 2022, Việt Nam là nhà nhập khẩu lúa mì, ngô và đậu tương lớn thứ năm trên toàn cầu.

Theo thống kê gần nhất của Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/1 đến 15/10/2021, cả nước đã nhập khẩu 13.542.322 tấn lúa mì, ngô và đậu tương, trị giá 4,328 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 2,42% về lượng nhưng tăng đến 1,39 lần về giá trị. Dự báo, nhập khẩu các nguyên liệu này còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Lúa mì, ngô và đậu tương chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ, Australia, Argentina và Brazil

Trong 9 tháng đầu năm nay, Australia là thị trường chủ yếu cung cấp lúa mì cho Việt Nam, chiếm tới 73% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước, với trên 2,7 triệu tấn, tương đương 785,26 triệu USD.

Cùng thời gian nay, Argentina cũng là thị trường chủ đạo cung cấp ngô cho Việt Nam, nhập khẩu ngô từ thị trường này đạt 4,01 triệu tấn, tương đương 1,21 tỷ USD, chiếm 52,3% trong tổng lượng và chiếm 55,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước.

Mỹ và Brazil là hai thị trường cung cấp đậu tương chủ lực cho Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm nay, nhập khẩu đậu tương từ Mỹ đạt 748.706 tấn, tương đương 423,89 triệu USD, chiếm 48% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước.

Nhập khẩu đậu tương từ Brazil đạt 702.290 tấn, tương đương 408,82 triệu USD, chiếm trên 46% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam đã tăng cường nhập khẩu ngô làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để phục vụ ngành sản xuất thịt, vốn đã tăng trưởng gần 30% trong thập kỷ qua. Điều này khiến cho Việt Nam trở thành nước nhập khẩu ngô lớn nhất Đông Nam Á và dự báo đến năm 2022 Việt Nam vẫn sẽ là nhà nhập khẩu ngô lớn thứ năm trên toàn cầu.

Sản lượng ngô sản xuất trong nước bắt đầu tăng lên từ những năm 1980, và xu hướng này tiếp tục tăng mạnh từ năm 2015 cho đến nay.

Sản lượng ngô bị sa sút và giảm dần do hoạt động sản xuất trong nước ngày càng sụt giảm, nên thế yếu về khả năng cạnh tranh so với ngô nhập khẩu cả giá thành và chất lượng, dẫn đến Việt Nam không khuyến khích mở rộng diện tích ngô.

Báo cáo Thương mại Nông nghiệp Quốc tế của USDA cho biết, nuôi trồng thủy sản và động vật hoặc các loài khác đang được mở rộng tại Việt Nam, và tạo thêm nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản vào thị trường tiềm năng này.

Dự báo, nhu cầu nhập khẩu ngô và phụ phẩm ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi của Việt Nam tiếp tục tăng cao, với mức gấp ba lần trong vòng 10 năm tới. Trong đó ngô chiếm phần lớn, còn lại là lúa mì và lúa mạch thể hiện qua xu hướng trong ngành sản xuất thịt và Việt Nam sẽ là “cường quốc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi” trên toàn cầu.

Có một câu hỏi “rất đau” của cử tri

Là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực hàng “top” nhưng Việt Nam cũng là nước phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu từ nước ngoài, và hàng năm đều tăng cả về lượng cùng giá trị nhập khẩu.

Vấn đề này không mới nhưng mãi đến khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy cả nước mới thấy rõ tính tự chủ của nền kinh tế chưa cao, và bản thân ngành chăn nuôi đã sử dụng từ 60% thậm chí 80% nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn thủy sản và thức ăn chăn nuôi.

Đã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước một cách căn cơ và bài bản.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan cho biết có một câu hỏi “rất đau” của cử tri đó là:

“Việt Nam tự hào là một đất nước nông nghiệp, ngô và đậu tương có thể sản xuất trong nước nhưng tại sao mỗi năm vẫn phải chi hàng tỷ đô la để nhập khẩu về làm thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản?

Khi cử tri đặt ra vấn đề này khiến cho chúng ta – những người làm nông nghiệp phải suy nghĩ để tìm ra cách giải quyết, cái gì thoát ra được thì sẽ thoát ra còn cái gì không thoát ra được thì phải chấp nhận và tìm cách để thích nghi”.

Vẫn theo Bộ trưởng Hoan, trước đây, cũng như Việt Nam, Trung Quốc phải nhập khẩu nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản từ Mỹ, Brazil, Ấn Độ … đến khi dịch COVID-19 xảy ra chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, đưa đến cú sốc tăng giá khiến ngành nông nghiệp bị chao đảo. Vào thời điểm này Trung Quốc đã chuyển toàn bộ nền nông nghiệp sang tự chủ để giảm lệ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài.

Hiện nay họ bắt đầu đẩy mạnh sản xuất trong nước cộng với phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn để dần thay thế nguyên liệu nhập khẩu phục vụ chăn nuôi, và sản xuất nông nghiệp như phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật chuyển sang sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học những loại mà trong nước có thể làm được.

“Nền kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế không có phế phẩm, tất cả những chất thải những phế thải nông nghiệp sẽ là đầu vào cho một ngành khác, trong đó có những ngành có thể trở thành nguyên liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi, thủy sản và làm chế phẩm sinh học. Vậy chúng ta có thể làm được hay không?”, ông Hoan đặt vấn đề.

Theo Cuộc sống an toàn/Tạp chí Lao động và Công đoàn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây