STNN – Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản ở tình trạng duy trì mức độ tăng trưởng ổn định. Trong đó, giá trị ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2023 tăng 3,42% so với cùng kì năm trước, đóng góp 0,29% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
- Tình hình sản xuất nông nghiệp tháng Tám và 8 tháng năm 2023
- Vietstock 2023 – bức tranh toàn cảnh ngành Chăn nuôi Việt Nam
Năng suất lúa trong quý III và 9 tháng năm 2023 tăng, đặc biệt, vụ đông xuân và hè thu đạt hạng khá do thuận mùa, được giá
Trong đó, vụ lúa đông xuân năm 2023 đạt kết quả khá với sản lượng đạt 20,2 triệu tấn, tăng 213,1 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm 2022 và giá lúa tăng cao so với cùng kỳ do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng; năng suất đạt 68,4 tạ/ha, tăng 2,4 tạ/ha chủ yếu do thời tiết thuận lợi, chuyển đổi cơ cấu giống lúa hợp lý và trình độ kỹ thuật canh tác ở các địa phương được nâng cao.
Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 1.911,7 nghìn ha, giảm nhẹ so với vụ hè thu năm trước chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thời tiết nắng nóng khô hạn ở một số tỉnh miền Trung. Tính đến ngày 15/9/2023, các địa phương đã thu hoạch được 1.786,3 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 93,4% diện tích gieo cấy và bằng 94,8% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1.348,9 nghìn ha, chiếm 91,5% và bằng 93,4%. Theo báo cáo của các địa phương, vụ lúa hè thu năm nay tăng 0,1 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2022, có sản lượng đạt 11 triệu tấn, tăng 173 nghìn tấn với giá đang ở mức cao so với cùng kỳ.
Tính đến trung tuần tháng Chín, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.492,5 nghìn ha, bằng 99,2% cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích gieo cấy lúa mùa miền Bắc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế từ canh tác lúa không cao nên người dân giảm diện tích gieo trồng, đạt 1.005,6 nghìn ha, bằng 98,3% cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có diện tích gieo cấy giảm so với cùng kỳ năm trước: Thanh Hóa giảm 3 nghìn ha; Hà Nội giảm 2,4 nghìn ha; Hưng yên giảm 1,6 nghìn ha; Thái Bình giảm 1 nghìn ha, Bắc Giang giảm 1 nghìn ha. Ngược lại, các địa phương phía Nam đạt 486,9 nghìn ha, bằng 101,1%. Hiện nay, tại các địa phương phía Bắc lúa đang làm đòng trổ bông, một số trà lúa sớm đang giai đoạn vào chắc và chín; các địa phương phía Nam đang tiếp tục gieo cấy.
Sản lượng cây trồng tăng so với cùng kỳ năm trước
Tổng diện tích cây lâu năm 9 tháng năm 2023 ước đạt 3.772,5 nghìn ha, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm cây công nghiệp đạt 2.190,2 nghìn ha, bằng cùng kỳ năm trước; nhóm cây ăn quả đạt 1.260,1 nghìn ha, tăng 1,2%.
Giá trị sản lượng nổi bật nhất trong nhóm cây lâu năm phải kể tới như sầu riêng (đạt 353,7 nghìn tấn, tăng 20,1%), dừa (đạt 529,9 nghìn tấn, tăng 11%), cam (đạt 565,4 nghìn tấn, tăng 7,3%), nhãn, chè búp, cây cao su,…
Về phía cây nông nghiệp, một số cây có chỉ số tăng đáng kể so với cùng kì năm trước phải kể tới như: chè búp (đạt 904,6 nghìn tấn, tăng 2,7%); cao su (đạt 873,4 nghìn tấn, tăng 2,3%); dừa (đạt 1.483,1 nghìn tấn, tăng 6,3%); điều (đạt 358,3 nghìn tấn, tăng 5,4%),...
Sản lượng thu hoạch một số cây ăn quả đều tăng khá, nổi bật nhất là cam (đạt 1.079,8 nghìn tấn, tăng 6.1%), xoài (đạt 813,7 nghìn tấn, tăng 3%),... Chỉ riêng thanh long đạt 885,2 nghìn tấn, giảm 3,5% do giá bán giảm, nhiều vườn cây thanh long đến tuổi già cỗi, người dân chưa trồng lại.
Cùng với việc gieo cấy lúa, cả nước đã gieo cấy được 824 nghìn ha ngô, bằng 99% so cùng kỳ năm trước; 76,2 nghìn ha khoai lang, bằng 94,2%; 29,7 nghìn ha đậu tương, bằng 94%; 152,8 nghìn ha lạc, bằng 94,9%; 1.020,2 nghìn ha rau đậu, bằng 100,3%. Trái với sản lượng cây lâu năm tăng so với cùng kỳ năm trước, một số loại vây hoa màu được gieo trồng tính đến trung tuần tháng 9/2023 như ngô, khoai lang, đậu tương, lạc giảm do hiệu quả kinh tế không cao, khiến nông dân thu hẹp sản xuất.
Chăn nuôi phát triển ổn định, không có quá nhiều biến động
Tình hình chăn nuôi trâu, bò trong 9 tháng năm 2023 không có biến động lớn, đàn trâu tiếp tục xu hướng giảm do diện tích chăn thả thu hẹp, hiệu quả kinh tế không cao. Mặc dù dịch viêm da nổi cục đã được kiểm soát nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành vẫn cần chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh để dịch bệnh không quay lại.
Bên cạnh đó, chăn nuôi lợn và gia cầm đảm bảo nguồn cung cho thị trường, một số trang trại nuôi gà thịt đã kết nối được với các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển. Người chăn nuôi cần tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có để thay thế một phần thức ăn công nghiệp hoặc tận dụng phụ phẩm để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giảm chi phí đầu vào và tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Tính đến ngày 21/9/2023, cả nước không còn dịch cúm gia cầm; dịch lở mồm long móng còn ở Đồng Tháp; dịch viêm da nổi cục còn ở Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Bến Tre và dịch tả lợn châu Phi còn ở 14 địa phương chưa qua 21 ngày, cần được lưu ý thêm.
Minh Huyền