Thương nhớ “xóm Bánh Đúc” Ngõ Đông

Tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, có một xóm nhỏ đã từng nổi tiếng với nghề làm bánh đúc, tuy nhiên tới nay chỉ còn duy nhất một nhà còn giữ nghề.

bánh đúc
Xóm Ngõ Đông – nay là phố Hòa Bình, khu 5, thị trấn Gia Lộc (Gia Lộc, Hải Dương) – Ảnh: Lan Anh

Xóm Ngõ Đông, thôn Hội Xuyên (Gia Lộc, Hải Dương) trước kia có tiếng với nghề làm bánh đúc, trong xóm có khoảng vài chục hộ, không một hộ nào không theo nghề. Người dân nơi đây vẫn hay nhắc tới câu: Bánh đúc mà đổ ra sàng/ Thuận em em bán thuận chàng chàng mua.

Ông Nguyễn Văn Thanh trú tại ngõ 31, phố Hòa Bình cho biết: “Thời trước cả xóm làm bánh đúc. Ngõ Đông là nơi đầu tiên làm nghề này trong huyện, chính vì thế mà mọi người thường quen gọi với cái tên “xóm Bánh Đúc”. Trong vùng ai muốn ăn bánh đúc đều qua đây mua, thậm chí cả những người ở tỉnh khác như Hưng Yên cũng xuống lấy”.

Hiện nay, do sự phát triển của xã hội, nhiều ngành nghề khác ra đời, xóm Ngõ Đông chỉ còn lại duy nhất gia đình bà Phạm Thị Hương còn theo nghề làm bánh đúc.

Qua buổi gặp gỡ với chúng tôi, bà Hương chia sẻ rằng nhà bà đã có truyền thống làm bánh đúc từ lâu, tính tới nay đã qua ba đời. Để có một nồi bánh đúc ngon thì trước hết phải có nguyên liệu đạt chuẩn. Nguyên liệu làm bánh chỉ gồm: gạo tẻ, vôi, lá gừng… Gạo thì phải dùng gạo Q, gạo Thái Bình… chứ không dùng được các loại gạo dẻo. Nấu bánh đúc khó nhất là công đoạn cho vôi, 1kg gạo thì cho một chút vôi (khoảng gần 1 ngón chân cái), nếu cho ít thì sẽ thành cháo loãng, cho nhiều thì bánh lại mặn. Khi nấu bánh cũng phải cho thật nhỏ lửa, ngoáy đều tay, không thì bánh sẽ bị cháy, khê.

Ông Thưởng – chồng bà Hương đang chuẩn bị bánh đúc để giao cho khách – Ảnh: Lan Anh

“Làm bánh đúc thu nhập không cao. Thời xưa các bà, các cụ hay ăn bánh đúc thì nhà tôi còn bán được, chứ nay người trẻ ít ai ăn món này. Mùa hè nắng nóng thì mỗi ngày lãi được khoảng 100 nghìn, chứ mùa đông thì gần như ế ẩm” – bà Hương nói thêm.

bánh đúc
Bánh đúc trắng thơm, thanh mát rất thích hợp để thưởng thức vào những ngày hè – Ảnh: Lan Anh

Làm bánh đúc chẳng lời lãi được bao nhiêu nên từ lâu bà Hương phải làm thêm món bánh rợm để có thêm thu nhập. Dù vậy, giữ gìn hương vị quê hương chính là lý do để bà còn giữ nghề tới tận ngày nay.

“Trước giờ tôi đã từng đổi qua nhiều nghề, làm bánh rợm rồi cả bánh tráng, nhưng chưa bao giờ bỏ làm bánh đúc. Tôi muốn giữ lại món đặc sản cũ của quê hương để sau này các con, các cháu vẫn được thưởng thức” – bà Hương chia sẻ.

bánh đúc
“Tôi rất vui khi thấy lớp con cháu vẫn ăn món bánh đúc mình làm” – Ảnh: Lan Anh

Bà Hằng – một vị thực khách cho biết: “Tôi biết tới bánh đúc Ngõ Đông từ vài chục năm nay rồi, đến bây giờ hương vị của nó vẫn vẹn nguyên như những ngày đầu. Tôi thấy gần đây các bạn trẻ bắt đầu để ý đến các món ăn truyền thống, điều đó rất đáng mừng. Vậy là các món ăn xưa sẽ không bị mai một theo thời gian”.

Khác với bánh đúc nóng của người Hà Nội, ở đây mọi người thường ăn bánh đúc với riêu cá hay ăn kèm với đậu rán chấm nước mắm mặn, vừa ngon vừa thanh mát, ăn rồi là sẽ muốn ăn thêm.

Dù thời nay, “xóm Bánh Đúc” chỉ còn là tên gọi bởi nhiều gia đình đã không còn theo nghề nữa, nhưng bánh đúc Ngõ Đông vẫn luôn là thức quà quen thuộc, là đặc sản, là niềm tự hào của người dân nơi đây.

Lan Anh 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây