STNN - Để tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, cần chú ý tới quy trình tạo ra sản phẩm, từ nguyên liệu tới thành phẩm và phân phối vào thị trường.
Người tiêu dùng tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đang ngày càng chú trọng đến lối sống lành mạnh, coi trọng giá trị gia tăng của thực phẩm, đồ uống hữu cơ. Xu hướng tiêu dùng này sẽ mang lại nhiều cơ hội thương mại cho các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ của Việt Nam.
Tại Diễn đàn Xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng ngày 21/11 tại TP. HCM, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện Việt Nam có hơn 30 đơn vị xuất khẩu các loại rau, quả hữu cơ với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Pháp, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Trung Quốc... Ngoài ra, còn các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ xuất khẩu khác đem lại giá trị hàng triệu USD như cà phê, gạo, điều, hạt tiêu.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Toản, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay đạt khoảng trên 335 triệu USD/năm tới 180 thị trường trên thế giới, tăng hơn 418% giá trị xuất khẩu sản phẩm hữu cơ hàng năm giai đoạn 2010 - 2016. Các sản phẩm hữu cơ được xuất khẩu là chè, tôm, gạo, hạt điều, hạt tiêu, quế, hồi, tinh dầu, gia vị... nhưng với số lượng còn rất hạn chế.
Dự báo, quy mô thị trường thực phẩm hữu cơ toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh trong 05 năm tới với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 14%, từ 227,19 tỷ USD vào năm 2021 lên 259,06 tỷ USD vào năm 2022 và đạt 437,36 tỷ USD vào năm 2026; khu vực tăng trưởng mạnh nhất là Bắc Mỹ và châu Âu. Các thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đang hướng tăng cường các quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn về các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường lớn, như: Organic EU (châu Âu), USDA (Hoa Kỳ) và JAS (Nhật Bản). Ngoài ra, để nhắm đích vào các thị trường cụ thể, các nhà sản xuất cần tìm hiểu các yêu cầu chi tiết của thị trường mà mình hướng tới, chẳng hạn như: chứng nhận hữu cơ Naturland - Đức, Cosmebio - Pháp, ACO - Úc, Ecocert - Pháp, BioGro - New Zealand, Bio - Đức, Soil Association - Anh, ICEA - Ý, MAFRA - Hàn Quốc...
Việt Nam đã ban hành bộ Tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu chung đối với sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển sản phẩm hữu cơ và áp dụng đối với các quá trình trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ, nuôi trồng thủy sản hữu cơ và các sản phẩm từ các quá trình nêu trên được sử dụng làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi.
Ngoài thị trường nước ngoài, cần chú ý đến thị trường tiềm năng trong nước. Trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, nông sản hữu cơ, thực phẩm hữu cơ an toàn hiện vẫn khó tiếp cận cả về nguồn cung cấp lẫn giá cả. Để tạo thói quen tiêu dùng, mở rộng và phát triển thị trường trong nước, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, cần phải truyền thông tốt, xây dựng các mối quan hệ tích cực, lâu dài và tin tưởng giữa nhà sản xuất, nhà cung cấp với khách hàng, cộng đồng.
Nhà nước cần tạo điều kiện về vốn, có thêm các chính sách hỗ trợ phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; đồng thời, khuyến khích các trang trại, cộng đồng nhỏ canh tác theo phương thức hữu cơ, quan tâm tới các vùng sâu, miền núi với những điều kiện thuận lợi cho phương thức canh tác tự nhiên. Hướng dẫn người sản xuất sản phẩm hữu cơ các phương pháp xử lý, lưu trữ, phân phối, xây dựng thương hiệu, hoạt động hậu mãi... đưa sản phẩm trở nên gần gũi, thân thuộc với khách hàng. Nếu làm tốt và nhân rộng từ những mô hình nhỏ thì đây sẽ là những đốm lửa nhỏ để thắp lên ngọn lửa lớn góp phần xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị.
Bạn cần biết:
|
Hoàng Giáp