84 giải pháp được trao giải trong Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16

STNN – Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc có bề dày 30 năm (1989 – 2019) với 15 lần tổ chức (2 năm/1 lần). Hội thi nhằm đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo của quần chúng nhân dân, tạo ra bước phát triển mới về khoa học công nghệ và góp phần phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

TS Lê Xuân Thảo – Phó Chủ tịch thường trực Quỹ VIFOTEC

Trong suốt quá trình hoạt động, Hội thi luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đặc biệt, ngày 14/7/2006 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 165/2006/QĐ-TTg về tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật trong cả nước. Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật được tổ chức ở 2 cấp: cấp toàn quốc và cấp Bộ, ngành, địa phương.

Triển khai Quyết định 165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Ban Tổ chức Hội thi, đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố và Bộ, ngành đã thành lập Ban Tổ chức Hội thi và đã triển khai rất tích cực.

Nhìn lại kết quả 30 năm tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc, phong trào hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong cả nước ngày càng sâu rộng. Số lượng các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố tổ chức Hội thi ngày càng tăng lên. Số lượng các giải pháp kỹ thuật dự thi cũng ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng tốt hơn, có tính ứng dụng cao. Đối tượng dự thi cũng ngày càng phong phú hơn: từ các nhà khoa học, các nhà kỹ thuật đến những người nông dân, công nhân… cũng có giải pháp dự thi và đoạt giải cao.

Trong 30 năm qua, Hội thi đã thu hút khoảng 7.000 giải pháp dự thi và có gần 1.000 giải pháp được trao giải. Các giải pháp đoạt giải đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết được các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020 – 2021) đã ký Quyết định trao giải thưởng cho 84 giải pháp bao gồm: 5 giải Nhất, 11 giải Nhì, 23 giải Ba và 45 giải Khuyến khích.

Trong số 52 tỉnh, thành phố tham dự Hội thi, có 36 tỉnh, thành phố và Bộ Quốc phòng có giải. Các tỉnh đoạt nhiều giải, gồm: tỉnh Phú Thọ (5), tỉnh Bình Phước (4), TP. Hồ Chí Minh (4), tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (4), tỉnh Bắc Giang (3), tỉnh Bạc Liêu (3), TP. Đà Nẵng (4) và Bộ Quốc phòng (5).

05 giải Nhất được trao cho các giải pháp thuộc về tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bộ Quốc phòng:

Lĩnh vực Vật liệu Hóa chất Năng lượng: Giải pháp “Thiết kế, chế tạo, lắp đặt hoàn thiện hệ thống Affnation sản xuất đường Refned từ đường thô, đường vàng chất lượng thấp” của tác giả Trịnh Việt Dũng, Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Thanh Hóa.

Lĩnh vực Công nghệ Thông tin – Điện tử – Viễn thông: Giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị chế áp phương tiện bay không người lái Flycam” của tác giả Đại tá PGS. TS. Nguyễn Huy Hoàng – Bộ môn Tác chiến điện tử, Học viện Kỹ thuật quân sự.

Lĩnh vực Y dược: Giải pháp “Nghiên cứu sản phẩm mới thuốc dược liệu viên hoàn nhỏ giọt QUANCARDIO điều trị bệnh tim mạch” của tác giả Phan Văn Ngọc, CTCP Dược phẩm Quảng Bình.

Lĩnh vực Cơ khí – Xây dựng – Giao thông vận tải: Giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy lốc thép tấm dày 20mm – 80mm” của tác giả Hà Giang, CTCP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, TP. Đà Nẵng.

Lĩnh vực Nông lâm ngư nghiệp và Tài nguyên môi trường: Giải pháp “Thu hồi khí Hydrocacbon trên tàu chứa dầu Vietsovpetro bằng cách lắp đặt thêm hệ thống thu gom Hydrocacbon” của tác giả Trần Văn Vĩnh, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Năm nay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã xét, trao Bằng chứng nhận và Huy chương Vàng cho giải pháp: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị chế áp phương tiện bay không người lái Flycam” của tác giả Đại tá PGS. TS Nguyễn Huy Hoàng – Bộ môn Tác chiến điện tử, Học viện Kỹ thuật quân sự.


Hoàng Giáp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây