STNN - Ngày 23/01/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 08/CĐ-TTg gửi các tỉnh, thành phố và các Bộ, Ban, Ngành liên quan về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài.
- Biến đổi khí hậu khiến cây cối phát triển nhanh hơn nhưng làm giảm khả năng hấp thụ carbon
- Bảo vệ nguồn nước trước tác động của biến đổi khí hậu
Công điện nêu rõ: Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh, toàn miền Bắc đã xảy ra rét hại, vùng núi cao xuất hiện băng giá, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân và sản xuất nông nghiệp. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, đây là đợt không khí lạnh có cường độ mạnh nhất mùa Đông năm 2023-2024. Trong đợt rét này, ở Bắc Bộ nhiệt độ có khả năng thấp nhất từ 3-6 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ; khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến từ 9-11 độ; khu vực Trung Trung Bộ từ 12-15 độ. Ngoài ra, các vùng biển trên khu vực Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, có nơi cấp 8, giật cấp 9; biển động mạnh. Tình trạng biển động còn kéo dài trong nhiều ngày.
Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại đối với sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe của người dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 1404/CĐ-TTg ngày 24/12/2023 về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét và diễn biến thời tiết khắc nghiệt bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân nhất là người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế…
- Tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.
- Chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến thời tiết và thông báo, hướng dẫn nhân dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét, bảo đảm an toàn cho người, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thời tiết, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; xây dựng và hướng dẫn kế hoạch sản xuất vụ Đông - Xuân, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết.
3. Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí khi đốt than, củi để sưởi ấm trong phòng kín; chỉ đạo lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết, tổ chức khám chữa bệnh cho người dân nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, rét đậm, rét hại để cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông truyền tải đến người dân biết và chủ động tích cực, triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả với rét đậm, rét hại, băng giá.
5. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương tăng tần suất và thời lượng phát các bản tin dự báo thời tiết; đẩy mạnh tuyền truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản, cây trồng đến các cơ quan chức năng và người dân.
6. Đối với các cơ quan truyền thông: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Đông Bắc