Đa dạng sinh học - chìa khóa cho an ninh lương thực

STNN – Khi đối mặt với hàng loạt thách thức và tác động tiêu cực từ nhiều phương diện ở thời điểm hiện tại, việc nghiêm túc nhìn nhận lại tầm quan trọng của đa dạng sinh học nói chung và đa dạng sinh học nông nghiệp nói riêng là điều cần thiết để cải thiện tình hình an ninh lương thực trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Về đa dạng sinh học

Trước hết, có thể hiểu đa dạng sinh học, hay còn được gọi là đa dạng thiên nhiên, là sự đa dạng của các loại của các loài sinh vật trên Trái Đất được chia theo ba mức độ: cấp gen, cấp loài, cấp hệ sinh thái.

Đa dạng gen, có cách gọi khác là đa dạng di truyền, là sự đa dạng, khác biệt về gen giữa các quần thể sống trong những môi trường cách ly, có sự khác biệt về địa lý cũng như sự khác biệt giữa các cá thể cùng chung sống trong một quần thể. Đa dạng gen cho phép sinh vật thích nghi và tiến hóa trong những môi trường khác nhau.

Đa dạng sinh học ở cấp loài, là sự đa dạng, phong phú giữa các loài động thực vật khác nhau cùng hiện diện trong một cộng đồng sinh thái hoặc hệ sinh thái nhất định, thể hiện qua số lượng loài. Hiện nay, đã có khoảng 8,7 triệu loài sinh vật trên Trái Đất đã được phát hiện và nghiên cứu.

Đa dạng sinh thái, thường được hiểu là sự đa dạng về các hệ sinh thái, như: rừng mưa, sa mạc, đại dương, hồ nước ngọt,… khác nhau trên Trái Đất. Điều này được xác định phụ thuộc vào sự đa dạng của các loài sinh vật, mối quan hệ tương tác của các loài với nhau và với môi trường, cũng như các đặc điểm vật lý của môi trường.

Đa dạng sinh học nông nghiệp (Agrobiodiversity), là bộ phận của đa dạng sinh học, bao gồm sự đa dạng của cây trồng, vật nuôi và vi sinh vật, được sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp làm lương thực và nông nghiệp, bao gồm cây trồng, vật nuôi và thủy sản.

Về nguy cơ mất đa dạng sinh học nông nghiệp

Đa dạng sinh học nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trước hết bởi nó đảm bảo rằng nông dân có thể tiếp tục trồng lương thực khi đối mặt với những thay đổi trong điều kiện khí hậu và nhiều thách thức khác như sâu bệnh, thiên tai, v.v.; đồng thời, nâng cao chất lượng thực phẩm – cũng có nghĩa là nó đảm bảo an ninh lương thực.

Đa dạng sinh học nông nghiệp cũng cung cấp các lợi ích về kinh tế và xã hội khi cung cấp nguồn gen phong phú để tạo ra các giống mới, cải tiến năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu bệnh tật cho cây trồng. Điều này giúp đa dạng hóa các loại cây trồng và vật nuôi, tạo ra các nguồn thu nhập cho nông dân và cộng đồng nông nghiệp.

Là kết quả gián tiếp của sự gia tăng dân số các nước đang phát triển dẫn đến mức tiêu thụ tài nguyên trong thế giới theo bình quân đầu người tăng cao cũng như một loạt những biến động về môi trường, kinh tế, chính trị,…, tình trạng mất đa dạng sinh học nông nghiệp đang nhanh chóng đang xảy ra trên toàn thế giới hiện nay. Sự hạn chế trong nguồn nhân lực và cơ sở vật chất khi tác động xấu từ nhiều phương diện như môi trường, nguồn cung – cầu, kinh tế,… ngày càng tăng khiến nền nông nghiệp của nhiều nước không thể đầu tư đầy đủ vào hệ thống lương thực, điều này nâng sức ép về kinh phí và làm giảm đáng kể quyền lợi của nông dân. Việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hay thông báo cấm xuất khẩu các loại gạo không phải Basmati của Ấn Độ vào ngày 20/7/2023 càng làm tình trạng này thêm trầm trọng.

Ở Việt Nam, đa dạng sinh học nói chung và đa dạng sinh học nông nghiệp nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi sự chú ý và nỗ lực, các giải pháp nhằm ngăn cản sự suy giảm đa dạng sinh học đang xảy ra. Nhiều hệ sinh thái và môi trường sống bị thu hẹp vì nhiều nguyên nhân làm xuất hiện tình trạng mất cân bằng tự nhiên, và theo lẽ tất yếu, dẫn đến tình trạng nông nghiệp thường phát triển không được bền vững. Điều này tạo nên tác động tiêu cực lớn cho lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp, nhất là khi khu vực nông nghiệp Việt Nam được hình thành từ nhiều hệ sinh thái đa dạng khác nhau.

Nhiều báo cáo, luận văn cũng như tin tức đã phản ánh về việc mất đa dạng sinh học ảnh hưởng ra sao tới an ninh lương thực trên toàn thế giới. Từ 24 – 27/4 tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu với nội dung “Tài kiến trúc hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu” phiên thứ 2 đã nêu lên tình trạng của ngành nông nghiệp gần đây cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ sự đa dạng cây trồng, vật nuôi gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái trong khu vực sản xuất, từ đó bảo quản cho nguồn lương thực thực phẩm của mỗi quốc gia.

Có thể làm gì để bảo vệ và quản lý đa dạng sinh học trong nông nghiệp?

Lúa nếp thơm Hưng Yên - Nguồn: Vinaseed

Để bảo vệ và quản lý đa dạng sinh học trong nông nghiệp, người viết xin liệt kê lưu ý về một số biện pháp quan trọng sau đây:

1. Bảo tồn giống: Để bảo vệ các loài cây trồng và động vật nuôi quý hiếm, cần phải bảo tồn và quản lý các nguồn gen đa dạng. Việc xây dựng các ngân hàng gen và khu vườn giống có thể giúp bảo tồn và sử dụng lại các giống quý hiếm và truyền thống.

2. Phát triển các mô hình nông nghiệp: Thay vì tập trung vào một số loại cây trồng và động vật nuôi nhất định, cần khuyến khích việc sử dụng hiệu quả và có bài bản các mô hình nông nghiệp. Mô hình nông nghiệp này có thể bao gồm việc kết hợp sử dụng nhiều loại cây trồng một cách hợp lý, chăn nuôi hỗn hợp và các phương pháp canh tác hữu cơ.

3. Xây dựng mạng lưới thông tin và chia sẻ kiến thức: Việc chia sẻ thông tin, kiến thức về đa dạng sinh học trong nông nghiệp giữa các nông dân, nhà nghiên cứu và các chuyên gia là rất quan trọng. Điều này có thể giúp tăng cường hiểu biết về cách quản lý đa dạng sinh học trong nông nghiệp.

4.Khuyến khích sử dụng các giống địa phương và truyền thống, nhằm bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học trong hệ thống nông nghiệp, bởi chúng đã thích nghi với điều kiện địa phương và hình thành khả năng kháng bệnh và sâu bệnh tự nhiên, có sức đề kháng tốt với môi trường cố định. Bên cạnh đó, giống địa phương truyền thống thường được trồng và phát triển theo các phương pháp tự nhiên và bền vững, không sử dụng các chất phụ gia và hóa chất giảm năng suất. Điều này giúp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn và chất lượng, không chứa các hóa chất độc hại và hỗ trợ sự tiếp cận vào thị trường nông sản hữu cơ và tự nhiên.

Việc đảm bảo đa dạng sinh học nói chung và đa dạng sinh học trong nông nghiệp nói riêng là điều cấp bách và cần thiết trong tình hình hiện tại, bởi:
  • Đa dạng sinh học tạo sự ổn định và duy trì khả năng đề kháng của giống loài: Khi có sự đa dạng về các loài cây trồng và động vật nuôi, hệ sinh thái nông nghiệp sẽ có khả năng chống chịu và phục hồi sau các tác động bất lợi như sâu bệnh, đối tác sinh học hay biến đổi khí hậu. Các loài cây trồng và động vật khác nhau có khả năng phát triển trong nhiều điều kiện môi trường, nhiều thời điểm khác nhau, giúp đảm bảo nguồn lương thực luôn được ổn định.
  • Đa dạng sinh học cung cấp nguồn gen và tài nguyên: Các loài cây trồng và động vật khác nhau mang trong mình sự đa dạng genetik, cung cấp nguồn gen và tài nguyên quan trọng để nâng cao năng suất, kháng bệnh và chịu được biến đổi khí hậu. Đa dạng sinh học cũng cung cấp các nguồn tài nguyên tự nhiên như nước, đất và sinh vật khác, những điều cần thiết cho sản xuất lương thực.
  • Đa dạng sinh học hỗ trợ dịch vụ sinh thái: Hệ sinh thái đa dạng cung cấp các dịch vụ sinh thái quan trọng, như thụ phấn, cảnh quan, kiểm soát sâu bệnh và phân hủy chất thải. Các loài côn trùng, chim và động vật khác tham gia vào quá trình thụ phấn và kiểm soát sâu bệnh, giúp tăng năng suất cây trồng. Việc giữ gìn và khôi phục đa dạng sinh học là cần thiết để duy trì các dịch vụ sinh thái này.
  • Đa dạng sinh học đảm bảo an toàn thực phẩm: Sự đa dạng trong các loại cây trồng và động vật nuôi giúp đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi một loài cây trồng nhất định gặp sự suy giảm sức khỏe do sâu bệnh hay thảm họa thiên nhiên, việc có các loại cây trồng khác có thể thay thế giúp đảm bảo nguồn thực phẩm không bị gián đoạn.

 

Minh Huyền