Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Tỉnh Đắk Lắk được đánh giá là vùng đất đỏ bazan có điều kiện tự nhiên rất tốt với sự sinh trưởng, phát triển của cây cà phê. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam với diện tích và sản lượng luôn đứng đầu cả nước. Đổng thời, cà phê cũng chính là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh, là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm, cà phê ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của đại đa số người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, diện tích trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chiếm khoảng 30% diện tích cà phê của cả nước với 212.106 ha/710.590 ha và chiếm khoảng 33,19% diện tích cà phê trên vùng Tây Nguyên với 212.106 ha/639.000 ha. Với diện tích cà phê hiện có 212.106 ha, năng suất đạt 26,72 tạ/ha, tổng sản lượng hàng năm đạt trên 500.000 tấn, cây cà phê không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội mà còn có ý nghĩa to lớn về văn hóa du lịch.
Trong niên vụ cà phê 2023 - 2024, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu được 264.404 tấn cà phê, chiếm tỷ trọng 17,9% so với cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt 915,795 triệu USD, tăng 168,238 triệu USD so với niên vụ trước, chiếm tỷ trọng 16,9% so với cả nước.
Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và sự thiếu ổn định của thị trường, ngành cà phê của tỉnh Đắk Lắk cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, trong niên vụ 2023 - 2024, diện tích cà phê toàn tỉnh đạt 212.106 ha, giảm 809 ha so với niên vụ trước, trong đó diện tích cho thu hoạch 200.441 ha, giảm 400 ha so với niên vụ trước, năng suất bình quân đạt 26,72 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 535.672 tấn, giảm 23.057 tấn so với niên vụ trước.

Cùng với đó, việc xuất khẩu qua những nước EU cũng bị hạn chế do các nước này ra sắc lệnh nghiêm cấm nhập khẩu cà phê có liên quan đến nạn chặt phá rừng và siết chặt quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với cà phê.
Theo chia sẻ của ông Bùi Đức Thiện - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk), năng suất cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị sụt giảm là do biến đổi khí hậu, hạn hán, sâu bệnh và một số diện tích cà phê tái canh đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản chưa cho thu hoạch và một số diện tích người dân trồng xen nhiều loại cây trồng.
Mặt khác, dù giá cà phê tăng đột biến mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân, tuy nhiên điều này ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng đứt gãy trong chuỗi cung ứng các đơn vị liên kết vùng nguyên liệu, đồng thời xung đột quân sự ở các quốc gia trên thế giới gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả leo thang, kinh tế thế giới tiếp tục lạm phát cao gây ra nhiều khó khăn cho thị trường cà phê.
Ngoài ra, thực trạng sản xuất cà phê lâu nay ở Đắk Lắk chủ yếu là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ, chỉ có khoảng trên 10% diện tích cà phê sản xuất tập trung thành vùng chuyên canh do các công ty thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam, các Công ty cà phê thuộc tỉnh Đắk Lắk và doanh nghiệp quản lý. Còn lại gần 90% diện tích cà phê của tỉnh là do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý nên cũng sẽ có một số khó khăn trong việc quản lý chất lượng.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Để phát triển bền vững, nâng cao năng suất và chất lượng cà phê, ông Bùi Đức Thiện - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân, trong đó, nổi bật là triển khai Chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025 với tổng diện tích 24.441,78 ha, bình quân hằng năm sẽ tái canh khoảng 4.800 ha.
“Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, kết quả tái canh đến năm 2024, toàn tỉnh mới tái canh đạt 15.467,4 ha/24.441,78ha, đạt 63,3 % kế hoạch, riêng năm 2024 thực hiện tái canh được 4.712,3ha/4.995,13ha, đạt 94,34% kế hoạch” - ông Bùi Đức Thiện cho biết.
Bên cạnh đó, thông qua Chương trình Hợp tác Công tư (PPP), Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng phối hợp cùng Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên và một số doanh nghiệp tổ chức hỗ trợ cây giống cho 14 huyện, thị xã, thành phố với hình thức hỗ trợ giá 1.000 đồng/cây giống. Chỉ riêng năm 2024, tổng cây giống hỗ trợ khoảng 5.247.260 cây giống cho 5.573 nông dân để trồng tái canh.

Để phục vụ Chương trình tái canh vườn cà phê hiệu quả, tỉnh Đắk Lắk cho sử dụng các cây giống đạt năng suất cao do Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên như: TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13. Đây là những dòng cà phê mới đạt năng suất cao từ 4,2-7 tấn cà phê nhân/ha, chất lượng tốt, có cỡ hạt lớn đạt loại 1 trên 65%, kháng cao với bệnh gỉ sắt, tăng khả năng cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu cà phê trên thị trường thế giới. Trong đó, có bốn dòng cà phê vối chín muộn gồm: TR9, TR11, TR12, TR13 nhằm chuyển dần thời gian thu hoạch cà phê vào đúng mùa khô không những thuận lợi trong việc thu hoạch, bảo đảm chất lượng cà phê không bị hư hỏng do mưa trong quá trình phơi sấy mà còn giảm được lượng nước tưới cho cây cà phê trong mùa khô.
Ông Bùi Đức Thiện cho biết: “Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk cũng luôn chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, xác nhận nhằm nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 23.291 hộ nông dân sản xuất cà phê có chứng nhận 4C (bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê), UTZ Certifed, RFA (Rừng nhiệt đới) và FLO (Thương mại công bằng), với tổng diện tích đạt hơn 30.0170 ha, sản lượng đạt hơn 100.065 tấn. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã cấp năm mã số vùng trồng nội địa với diện tích 631ha cà phê”.
Cũng theo ông Bùi Đức Thiện, tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm triển khai thực hiện các giải pháp thích ứng với Quy định không gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu. Triển khai Chương trình sản xuất cà phê thích ứng với Quy định không gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu. Theo đó, Công ty Simexco Đắk Lắk đã phối hợp Hiệp hội 4C toàn cầu (là tổ chức thực hiện Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê) hoàn thành kiểm tra cảnh báo rừng và pháp lý vùng sản xuất, vào tháng 4/2024, Hiệp hội 4C toàn cầu đã cấp hai chứng thư chứng nhận 4C-EUDR với tổng diện tích 9.437ha: 4C EUDR_0000001 với diện tích 4.629,24ha cho 4.365 hộ nông dân; chứng thư chứng nhận 4C EUDR_0000002 với diện tích 4.807,73ha cho 3.622 hộ nông dân. Đây là hai chứng thư chứng nhận đầu tiên về ngành hàng cà phê không gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu tại Việt Nam.
Ngoài ra, đến nay trên địa bàn tỉnh còn có 25.416 nông dân trên địa bàn các huyện: Ea H’leo, Krông Năng, Cư M’gar, Krông Ana, Buôn Đôn, thị xã Buôn hồ và thành phố Buôn Ma Thuột sản xuất với diện tích 26.961 ha, sản lượng 89.085 tấn đáp ứng tiêu chuẩn không gây mất rừng của Liên minh châu Âu.
Cùng với các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tỉnh Đắk Lắk cũng đặc biệt quan tâm đến công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến cà phê, nhằm nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh. Đồng thời, hiện nay tỉnh đang xúc tiến khai thác những thị trường mới có nhiều tiềm năng ở các khu vực như: Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi và các khu vực thị trường lớn như: EU, ASEAN, Đông Bắc Á, châu Đại Dương... nhằm ổn định đầu ra cho người dân.
“Hiện nay Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu UBND Đắk Lắk phê duyệt “Đề án cà phê bền vững tỉnh Đắk Lắk”. Vì vậy, các địa phương trên toàn tỉnh cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm 100% diện tích tái canh được sử dụng giống tốt và áp dụng đúng quy trình tái canh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ban hành; tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp thích ứng với Quy định không gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phát triển sản xuất cà phê đặc sản của tỉnh, nhằm khai thác thêm phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong và ngoài nước...” - ông Bùi Đức Thiện nhấn mạnh.