Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm sử dụng đệm lót sinh học mang lại lợi ích rất lớn cho người chăn nuôi, là xu hướng sản xuất thân thiện với môi trường sống.
Đệm lót sinh học là gì?
Đệm lót sinh học là hỗn hợp giữa chất trộn kết hợp men vi sinh vật có lợi dùng để lót nền chuồng trong chăn nuôi. Hệ men vi sinh vật có lợi đó giúp phân giải nước tiểu, phân thải của vật nuôi, hạn chế mùi hôithối, ức chế và tiêu diệt sự phát triển của các vi sinh vật có hại nhằm tăng cao sức đề kháng cho vật nuôi.
Dùng nguyên liệu rẻ tiền, sẵn có làm đệm lót sinh học
Không phải đầu tư nhiều tiền, bà con nông dân có thể tận dụng các phế thải từ hoạt động sản xuất, chế biến nông lâm sản, các phế phụ phẩm trồng trọt như mùn cưa, vỏ bào của các loại gỗ không độc;trấu, xơ dừa, vỏ lạc, vỏ hạt bông, thân cây bông, bã mía, lõi ngô, thân cây ngô khô, rơm, rạ, vỏ cà phê…để làm đệm lót sinh học.
Các nguyên liệu đó cần đáp ứng một số yêu cầu như: có độ xơ cao, có độ trơ cứng, không dễ bị mềm nhũn, có lượng chất dinh dưỡng nhất định, không độc, không gây kích thích cho vật nuôi. Cách phối trộn nguyên liệu làm đệm tùy thuộc nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương.
Chế phẩm sinh học cho đệm lót
Chế phẩm sinh học là một trong những phát minh nổi bật của ngành công nghệ sinh học nói chung và ngành công nghệ lên men nói riêng ở cuối thế kỷ 20. Hiện nay, trên thị trường, có rất nhiều nhà cung cấp chế phẩm để làm đệm lót khác nhau. Có thể kể đến chế phẩm sinh học Balasa No1, EMIC; EMC; GEM, GEM-K, GEM-P1…
Tùy vào từng loại vật nuôi, bà con nên chọn chất trộn và chế phẩm phù hợp và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên vỏ bao bì trước khi tiến hành trộn hỗn hợp.
Làm đệm lót sinh học để nuôi gà hay nuôi thỏ, bà con nên dùng chất trộn là trấu, mùn cưa, trong đó mùn cưa là lựa chọn hàng đầu. Bà con cũng có thể dùng mùn cưa kết hợp với trấu; trấu được rải ở lớp dưới, mùn cưa rải ở lớp trên mặt.
Làm đệm lót sinh học để nuôi heo,nuôi trâu bò,bà con ưu tiên chất trộn là mùn cưa, vỏ bào; sau đến vỏ lạc, lõi ngô, trấu, thân cây ngô nghiền, vỏ hạt bông, thân cây bông, bã mía, xơ dừa. Vỏ lạc, lõi ngô, thân cây ngô có thể để nguyên hoặc cắt theo kích thước khoảng 3-5mm.
Bảo dưỡng đệm lót như thế nào?
Chú ý làm tơi xốp bề mặt đệm lót. Định kỳ cào mặt đệm lót giúp chất thải của vật nuôi được phân hủy nhanh hơn, bề mặt đệm lót không bị nén chặt. Chú ý không cào sâu xuống sát nền chuồng. Thời gian tùy thuộc vào quy mô chuồng trại và lượng chất thải của vật nuôi. Sau khi xới tơi trên mặt đệm lót thì rắc chế phẩm men. Giữ đệm lót luôn khô, nếu thấy nước rớt làm ướt đệm lót thì phải thay ngay bằng lớp lót mới.
Vào mùa nóng, lớp nền dưới chuồng được lót bằng đệm sinh học sẽ làm cho vật nuôi cảm giác khó chịu, bỏ ăn, bà concần giữ cho không gian chuồng trại thoáng mát, có cửa thông thoáng. Có thể dùng quạt gió, để làm mát chuồng trại.
Hoàng Giáp