Đưa lao động trở lại chuỗi liên kết nông nghiệp

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý III/2021, số lao động làm việc trong khu vực nông, lâm, thủy sản với mục đích chủ yếu để gia đình sử dụng (lao động làm việc tự sản tự tiêu) là 5,2 triệu người (tăng gần 1 triệu người so với quý trước và tăng gần 2 triệu người so với cùng kỳ năm 2020).

HTX Phước An (huyện Bình Chánh) luôn yêu cầu các thành viên phải bảo đảm rau sạch từ ngoài đồng đến điểm tiêu thụ

Số lao động này chủ yếu tăng ở khu vực nông thôn. Hệ quả là, trong quý III/2021, thu nhập của lao động trong khu vực nông, lâm, thủy sản không còn giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định như nhiều quý vừa qua mà đã bắt đầu sụt giảm. Thu nhập của lao động khu vực này là 3,4 triệu đồng/người/tháng, giảm 340.000 đồng/người/tháng, tương ứng giảm 9,2% so với quý trước.

Tình trạng này có nguyên nhân từ sự dịch chuyển lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 và sự đứt gãy trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cụ thể, giãn cách xã hội kéo dài trong 3 tháng của quý III tại nhiều địa phương trên cả nước đã tác động trầm trọng đến thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, khiến một bộ phận lao động bị mất việc tại các tỉnh, thành phố phía nam, đã quay trở về quê và làm việc trong ngành nông nghiệp. Trong khi đó, loại hình kinh tế phổ biến và hoạt động mạnh nhất tại khu vực nông thôn là các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp lại chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.

Thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy, 90% tổng số hợp tác xã đã giảm mạnh doanh thu; nhiều hợp tác xã hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động do đứt gãy chuỗi cung ứng tiêu thụ; dịch vụ nông sản và chi phí đầu vào không ngừng tăng lên. Chính vì vậy, các thành viên hợp tác xã cũng bị phân tán, buộc phải trở lại với hoạt động tự sản tự tiêu.

Trong khi ngành nông nghiệp đang nỗ lực không ngừng để hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, thu hút nông dân tham gia vào hợp tác xã để sản xuất theo quy trình, tiêu thụ nông sản theo hợp đồng… thì con số lao động tự sản tự tiêu ở thời điểm này tăng gần gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2020 là điều đáng suy nghĩ và trăn trở. Điều này không chỉ ảnh hưởng thu nhập của một lực lượng lớn lao động nông thôn mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Do đó, nếu không sớm có giải pháp đưa lực lượng lao động tham gia trở lại vào các mô hình kinh tế nông nghiệp thì nguy cơ “vỡ trận” trong việc thực hiện liên kết nông nghiệp theo chuỗi giá trị rất dễ xảy ra.

Chính vì vậy, cần nhanh chóng tiếp sức cho các doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động trở lại, thu hút lực lượng lao động về làm tại các nhà máy sản xuất, chế biến khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần quan tâm khôi phục hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác bởi đây chính là cầu nối giữa nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp, nông dân với thị trường. Chỉ khi tham gia vào hợp tác xã với các liên kết mở rộng, nông dân mới có thể đầu tư sản xuất bài bản và dễ dàng phối hợp tiêu thụ sản phẩm, hướng tới mục đích tăng thu nhập, cải thiện đời sống; đồng thời đưa ngành nông nghiệp nhanh chóng chuyển đổi từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang tư duy sản xuất hàng hóa hiện đại, bền vững.

Theo Tiến Anh/Nhân dân

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây