Giải pháp cho ngành nuôi cá hồi khi nhiệt độ tăng cao

STNN - Ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi cá hồi nói riêng đang phải đối mặt với thách thức lớn do biến đổi khí hậu, đặc biệt là sự gia tăng nhiệt độ nước biển và các kiểu thời tiết ngày càng khó lường. Những yếu tố này có thể gây căng thẳng cho cá nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây tử vong hàng loạt, và làm giảm năng suất.

Giải pháp cho ngành nuôi cá hồi khi nhiệt độ tăng cao
Lựa chọn địa điểm nuôi có nhiệt độ nước ổn định.

Để giải quyết vấn đề này, một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Dalhousie và Hệ thống Hàng hải Innovasea của Canada đã thực hiện nghiên cứu nhằm tìm hiểu tác động của nhiệt độ đến cá hồi Đại Tây Dương (Salmo salar) trong môi trường nuôi trồng thủy sản thương mại ngoài khơi.

Nghiên cứu sử dụng khái niệm "phạm vi hiếu khí" để xác định nhiệt độ lý tưởng cho cá hồi. Phạm vi này biểu thị lượng năng lượng cần thiết cho các hoạt động cơ bản như bơi lội và tiêu hóa. Ở nhiệt độ lý tưởng, cá sử dụng năng lượng hiệu quả, nhưng khi nhiệt độ tăng hoặc giảm quá mức, năng lượng sẽ bị tiêu hao nhiều hơn, dẫn đến stress.

Các nhà khoa học đã sử dụng máy ghi sinh học, một thiết bị nhỏ được cấy vào cá để theo dõi các chỉ số sinh lý quan trọng như nhịp tim, độ sâu và nhiệt độ cơ thể trong suốt 245 ngày, tương đương với một chu kỳ sản xuất hoàn chỉnh. Nhờ thiết bị này, họ có thể quan sát trực tiếp cách cá hồi phản ứng với sự thay đổi nhiệt độ trong môi trường thực tế.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trong tự nhiên, cá hồi chủ động tìm kiếm môi trường có nhiệt độ thoải mái và tránh xa những điều kiện khắc nghiệt.

Hai chỉ số chính được sử dụng để đánh giá mức độ stress của cá hồi là: Phạm vi nhịp tim rõ ràng: Phạm vi này càng rộng thì khả năng thích nghi với nhiệt độ thay đổi của cá càng tốt và nhiệt độ điểm dừng Arrhenius là nhiệt độ mà tại đó quá trình trao đổi chất của cá bắt đầu chậm lại đáng kể do stress nhiệt.

Nghiên cứu cho thấy nhiệt độ lý tưởng cho cá hồi Đại Tây Dương là 12,7°C. Khi nhiệt độ xuống dưới 2°C hoặc trên 19°C, cá sẽ bị stress, dẫn đến giảm phạm vi nhịp tim rõ ràng và ảnh hưởng đến sức khỏe. Đồng thời, nghiên cứu này cung cấp những thông tin quan trọng cho người nuôi cá hồi trong việc điều chỉnh hoạt động sản xuất để đảm bảo sức khỏe và năng suất cho cá.

Một số biện pháp có thể áp dụng bao gồm:

- Điều chỉnh mật độ cá nuôi; Thay đổi lịch cho ăn trong thời gian nắng nóng;

- Sử dụng hệ thống làm mát tại trang trại;

- Lựa chọn địa điểm nuôi có nhiệt độ nước ổn định hơn.

Có thể đánh giá nghiên cứu này là bước tiến quan trọng trong việc hiểu rõ hơn về tác động của nhiệt độ đến cá hồi Đại Tây Dương trong môi trường nuôi trồng thủy sản thương mại. Nhờ những hiểu biết này, người nuôi cá có thể đưa ra các biện pháp quản lý hiệu quả để giảm thiểu ảnh hưởng của stress nhiệt, góp phần mang lại sản phẩm cá hồi chất lượng cao và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản.

Hải Đăng