Israel với công nghệ chỉnh sửa gen “chỉ chọn gà mái”

STNN - Các nhà khoa học Israel đã phát triển công nghệ chỉnh sửa gen chọn giới tính của gà, ngăn chặn sự phát triển phôi gà trống, nhằm tránh việc thải loại một số lượng lớn gà trống con do "không cần thiết".

Một trang trại gà tại thị trấn Malach ở miền nam Israel vào ngày 15/2 - Ảnh: Jill Cohen Magan.

Theo "Thời báo Israel" ngày 13/12, Huminn là công ty công nghệ liên doanh giữa Hoa Kỳ và Israel, đã đưa ra một tuyên bố vào cùng ngày nói rằng, nghiên cứu đột phá này đã được hoàn thành trong 7 năm, giữa họ và Trung tâm Vocalni - một tổ chức nghiên cứu trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Israel. Lô gà mái đầu tiên nở ra qua sử dụng kỹ thuật này được đặt tên là "Golda", có nghĩa là màu vàng, bắt nguồn từ màu lông của những con gà mái này. Những quả trứng do "Golda" đẻ ra chỉ có thể nở thành gà mái.

Các nhà nghiên cứu Israel đã chỉnh sửa gen của gà mái, để trong những quả trứng do nó đẻ ra, phôi đực ngừng phát triển ở giai đoạn đầu và chỉ phôi cái mới có thể nở ra gà con, từ đó đạt được mục đích "gà mái chỉ sinh ra gà mái”. Thế hệ gà mái tiếp theo nở ra từ những quả trứng do "Golda" đẻ được thừa hưởng gen chưa được chỉnh sửa, có thể đẻ trứng (trứng này an toàn khi sử dụng làm thực phẩm). Công nghệ chỉnh sửa gen của gà mái, nếu được thương mại hóa và nhân rộng, có thể cải thiện phúc lợi gia cầm trên toàn cầu và giảm đáng kể chi phí tiêu hủy gà con trống.

Tuyên bố cho biết Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đang đánh giá công nghệ này. Các nhân viên có liên quan của bộ phận an toàn thực phẩm và sức khỏe của Liên minh Châu Âu đã hoàn thành việc xem xét các kết quả nghiên cứu và xác nhận rằng theo các quy định quản lý hiện hành, gà mái dòng "Golda" và trứng của chúng có thể được bán hợp pháp tại EU.

Trứng được bày bán tại một siêu thị ở Millbrae, khu vực vịnh San Francisco, Mỹ vào ngày 5/4 - Ảnh: Li Jianguo.

Nhóm nghiên cứu và một số nhóm bảo vệ quyền động vật tin rằng, công nghệ này có thể giúp giảm tình trạng tiêu hủy gà trống mới nở đang phổ biến ở các chợ gia cầm trên khắp thế giới. Chi phí chăn nuôi gà trống do gà đẻ thông thường ấp ra, cao hơn giá thu về sau khi chúng được bán làm gà thịt sau này, giá trị thương phẩm không bằng gà thịt. Ngoài ra, chúng không thể đẻ trứng, nên thường bị loại bỏ ngay sau khi nở.

Pháp và Đức đã đi đầu trong việc ban hành các luật liên quan, từ năm 2022, họ cấm tiêu hủy hàng loạt gà con trống và cam kết thúc đẩy các biện pháp tương tự trên toàn Liên minh Châu Âu. Nước Đức có kế hoạch thúc đẩy công nghệ xác định giới tính phôi gà, chủ động sàng lọc trứng mang phôi đực và chỉ ấp trứng mang phôi cái, nhưng hiện đang gặp một số khó khăn nhất định về kỹ thuật.

Huyền Diệu (TH)