STNN - Ngày 25/10, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị "Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu và xúc tiến thương mại năm 2023".
- Nông sản Sơn La được ưa chuộng trên sàn thương mại điện tử
- Lào Cai xây dựng phần mềm truy xuất nông sản và cung cấp mã QR Code cho hơn 327 dòng nông sản an toàn
Dự hội nghị có đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương; Tham tán, Thương vụ của Việt Nam tại các quốc gia: Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan; đại diện lãnh đạo Sở Công Thương các địa phương tỉnh Tây Bắc, đại diện các nhà cung cấp, Tổng công ty và doanh nghiệp.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh công nghệ, thúc đẩy liên doanh, liên kết
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: "Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023, hội nghị nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã của các tỉnh khu vực Tây Bắc và doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa; tạo cơ hội để mở rộng thị trường kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; tìm ra giải pháp hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh; khắc phục những hạn chế tồn tại của doanh nghiệp; cải tiến phương thức sản xuất để đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn hàng hóa tại thị trường các nước; hỗ trợ các đơn vị trưng bày sản phẩm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP tới đối tác và trao đổi giao thương giữa các địa phương; triển khai các chương trình hợp tác giữa các nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước về lĩnh vực xuất khẩu, thương mại, nông sản, lâm sản, khoáng sản.
Tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương các tỉnh Tây Bắc cho rằng, dưới tác động của đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của địa chính trị, xu hướng tiêu dùng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác xúc tiến thương mại. Do đó, các tỉnh Tây Bắc sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh công nghệ, thúc đẩy liên doanh, liên kết. Tập trung rà soát các chính sách trong việc kêu gọi các nhà đầu tư, tạo môi trường thực sự thông thoáng cho doanh nghiệp; phát triển trồng và chế biến các loại nông sản và liên doanh liên kết trong sản xuất để ổn định đầu vào với chất lượng tốt phục vụ các nhà máy chế biến. Đồng thời, đa dạng hóa các loại hình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các tỉnh sẽ đẩy mạnh nghiên cứu nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp để hỗ trợ bằng các loại hình xúc tiến phù hợp; tăng cường, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại.
Đối với tỉnh Yên Bái, qua nhiều năm tập trung đầu tư phát triển, tỉnh Yên Bái đã hình thành được một số vùng nguyên liệu nông lâm sản tập trung như: gỗ rừng trồng, vùng sắn, vùng chè, vùng quế, vùng măng tre Bát Độ, Sơn Tra,… Ngoài ra, Yên Bái cũng đã hình thành các vùng trồng cây đặc sản: bưởi Đại Minh, gạo nếp Tú lệ, chè cổ thụ Suối Giàng, cam sành Lục Yên, cây dược liệu,… Yên Bái còn có nhiều tài nguyên về khoáng sản để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng. Thị trường xuất khẩu của tỉnh ngày càng được mở rộng với nhiều mặt hàng phong phú, chất lượng. Hiện nay, các doanh nghiệp của tỉnh hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp đến khoảng 50 thị trường truyền thống (Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ...) và hơn 30 thị trường khác.
Tạo chuỗi giá trị, gắn liền nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu
Tại hội nghị, đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của tỉnh Yên Bái và khu vực Tây Bắc tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ từ địa phương và các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương và các Tham tán, Thương vụ tại các nước trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu; chủ động nghiên cứu thông tin, yêu cầu từ các thị trường, đặc biệt các thị trường các nước thuộc Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia; đầu tư, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn về quy định chất lượng, an toàn thực phẩm. Sở Công Thương các tỉnh khu vực Tây Bắc là cầu nối giúp các doanh nghiệp, nhà cung cấp mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá thương hiệu và gia tăng giá trị hàng hóa; nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu; phối hợp với các các đơn vị liên quan nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ, kết nối người nông dân với nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu tạo chuỗi giá trị, gắn liền nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu để nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm.
Đến với hội nghị lần này, đại diện tham tán, thương vụ các nước Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc đã trao đổi với các địa phương, doanh nghiệp về những thuận lợi và vướng mắc khi tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh hiện nay. Các đại biểu cũng trao đổi những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất khẩu xuyên biên giới qua thương mại điện tử; yêu cầu chất lượng về sản phẩm và hồ sơ thủ tục đưa hàng vào siêu thị; tối ưu hoá nội dung bán hàng trên Tik Tok… Các doanh nghiệp cũng nêu lên một số khó khăn trong hoạt động xuất khẩu như xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ trong việc truy xuất nguồn gốc…
Bên lề hội nghị, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu và tiềm năng xuất khẩu của các địa phương. Đây cũng là dịp thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội tiếp xúc, trao đổi học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kết nối hợp tác kinh doanh, mở rộng giao thương và giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng.
Cũng tại hội nghị này, đã có 4 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa nhà cung cấp khu vực Tây Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Đức Huấn