Khai mạc trưng bày chuyên đề “Từ nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia”

STNN – Hướng tới chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2022), ngày 18/11/2022, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Từ nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia”. 

Trưng bày chuyên đề “Từ nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia”

Nhà Bác cổ – địa danh quen thuộc như một phần của ký ức Hà Nội, đó chính là tòa nhà của Bảo tàng Louis Finot thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) được coi là một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương ở Việt Nam thời thuộc địa. Công trình do các kiến trúc sư Ernest Hébrard và Charles Batteur thiết kế, khởi công xây dựng năm 1926, khánh thành và đi vào hoạt động năm 1932. Ban đầu, chức năng chính của bảo tàng dùng để trưng bày những sưu tập hiện vật nghệ thuật châu Á có được qua hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, khảo cổ của Viện Viễn Đông Bác cổ. Năm 1958, Chính phủ Việt Nam chính thức tiếp quản công trình này và chuyển đổi thành nội dung trưng bày về lịch sử Việt Nam.

Năm 2011, Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thành lập trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Toà nhà tiếp tục được sử dụng để trưng bày về lịch sử Việt Nam giai đoạn từ thời tiền sử đến năm 1945.

Nhà Bác cổ – Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong số ít công trình ở Việt Nam thời thuộc Pháp được xây dựng ngay từ đầu để làm bảo tàng, trải qua 90 năm, thay đổi chủ thể quản lý, nội dung, hoạt động và qua nhiều lần chỉnh lý, cải tạo, sửa chữa… cũng như đối tượng khách mà bảo tàng phục vụ nhưng công trình kiến trúc này vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, giữ đúng công năng sử dụng, bản thân công trình đã trở thành di sản quý giá, chứa đựng khối di sản giá trị xứng tầm giá trị kiến trúc.

Kỷ niệm 90 năm ngày khánh thành công trình toà nhà bảo tàng (1932 – 2022); chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2022), chuyên đề “Từ nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia” giới thiệu những tư liệu, hình ảnh gắn với lịch sử ngót một thế kỷ tồn tại của công trình cũng như những tri thức, kinh nghiệm quý giá mà chúng ta rất cần phải trân trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng để thừa kế cho phù hợp cùng những mong muốn thay đổi trong tương lai của bảo tàng, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của khách tham quan.

Trưng bày giới thiệu những tư liệu hiện vật, hình ảnh gắn với lịch sử 90 năm từ khi khánh thành công trình tòa nhà Bảo tàng Louis Finot của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đến nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia (1932-2022). Đây là một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương ở Việt Nam thời thuộc địa, một phong cách kiến trúc kết hợp độc đáo giữa phương Đông và phương Tây do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế, xây dựng; sau đó là các thế hệ người Pháp, người Việt và đặc biệt là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục kế thừa, bảo tồn, phát huy hiệu quả. Những giá trị kiến trúc, công năng công trình và tri thức, kinh nghiệm quý giá trong quá trình thiết kế, xây dựng, sử dụng, cải tạo, phát huy cần được trân trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng để thừa kế cho phù hợp cùng những mong muốn thay đổi trong tương lai của bảo tàng, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của khách tham quan.

Nội dung trưng bày gồm 3 chủ đề

Chủ đề 1: Lịch sử hình thành

Giới thiệu bối cảnh ra đời, quá trình xây dựng công trình, giai đoạn đầu hoạt động của Bảo tàng dưới sự quản lý của người Pháp (1932 – 1957) và những giá trị kiến trúc tiêu biểu.

Chủ đề 2: Từ nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Giới thiệu mốc lịch sử quan trọng trong bước ngoặt chuyển giao công trình và cơ sở vật chất cùng khối tài liệu, hiện vật cho Chính phủ Việt Nam (1945 – 1946) và quá trình tiếp nhận, các đợt chỉnh lý chuyển đổi nội dung, cải tạo không gian kiến trúc phục vụ lữu giữ, trưng bày nhưng công trình bảo tàng vẫn giữ đúng chức năng và giá trị kiến trúc, công năng sử dụng và bản thân công trình đã trở thành di sản quý giá, chứa đựng khối di sản giá trị xứng tầm giá trị kiến trúc. Từ đó, cho thấy việc thiết kế, sử dụng, cải tạo công năng công trình kiến trúc chắc chắn là những bài học kinh nghiệm quý.

Chủ đề 3: Bảo tàng Lịch sử quốc gia – chặng đường mới

Trải qua 90 năm tồn tại, dù thay đổi chủ thể quản lý, nội dung, hoạt động, đối tượng khách tham quan, nhiều lần chỉnh lý, cải tạo, sửa chữa nhưng công trình vẫn giữ được nguyên vẹn dáng vẻ ban đầu và được sử dụng đúng công năng vốn có; bản thân công trình cũng đã trở thành di sản mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia mang trọng trách quản lý, sử dụng di sản quý giá này. Trải qua thời gian, chi tiết một số hạng mục của công trình không tránh khỏi xuống cấp, hệ thống trưng bày, các trang thiết bị trở nên quá lạc hậu trước sự phát triển của khoa học, công nghệ, nội dung trưng bày cũng chưa cập nhật được những phát hiện mới của công tác nghiên cứu, nội ngoại thất công trình bảo tàng đứng trước yêu cầu phải sửa chữa, bảo tồn kiến trúc đảm bảo tồn tại lâu dài, chỉnh lý, nâng cấp hệ thống trưng bày đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Trưng bày mở cửa đón khách tham quan từ ngày 18/11/2022 đến tháng 3/2023.

Tại: Số 1, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Hồng Hà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây