STNN – Tỉnh Lâm Đồng vừa thông qua Đề án đổi mới mô hình tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 với mục tiêu đổi mới, sáng tạo và phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
- Lâm Đồng: Sở TN-MT tiếp tục yêu cầu Công ty Bò Kobe VN báo cáo kết quả khắc phục môi trường
- Lâm Đồng: Chi 964 triệu đồng hỗ trợ cấp 8 giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ
Ngày 28/6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã ký Quyết định số 1254/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án đổi mới mô hình tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, mục tiêu chung của đề án này nhằm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển theo chiều sâu, chuyển mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng tăng trưởng và thu nhập cho nông dân trên cơ sở nâng cao kỹ thuật canh tác gắn với chuyển đổi số, chuyển từ sản xuất đơn giá trị sang đa giá trị dựa vào tiến bộ của khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện theo hướng bền vững, sản xuất hàng hóa lớn có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp và các hình thức tổ chức sản xuất chuyển đổi hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Môi trường sinh thái được bảo vệ.
Từ các mục tiêu chung này, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng thông qua từng mục tiêu, nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030. Các mục tiêu, nhóm chỉ tiêu này gồm có kinh tế, xã hội và môi trường.
Cụ thể, nhóm chỉ tiêu về kinh tế, UBND tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 4-4,5%/năm; Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 32,06% trong cơ cấu kinh tế theo Kế hoạch số 10075/KH-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh. Cơ cấu khu vực nông nghiệp đạt 97-98%; lâm nghiệp 1-1,5%; thủy sản 1-1,5%. Trong đó, cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp bao gồm: trồng trọt 75-78%; chăn nuôi 18-20%, dịch vụ 4-5%.
Tỷ trọng kinh tế số nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 20% theo Kế hoạch số 5731/KH-UBND ngày 03/8/2022 của UBND tỉnh. Tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu làm đất, chế biến thức ăn chăn nuôi, chăm sóc, quản lý nuôi dưỡng đạt trên 95%; khâu thu hoạch sản phẩm trồng trọt đạt trên 75%. Tổng mức đầu tư vào nông nghiệp nông thôn tăng gấp 1,5-2 lần so với giai đoạn từ năm 2016-2020. 80% chuỗi liên kết có sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp.
Tốc độ tăng năng suất lao động ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân 5,5-6%; giá trị sản xuất bình quân đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Giá trị xuất khẩu hàng năm tăng bình quân từ 10-12%; kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 800 triệu USD, tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chế biến, chế biến sâu đạt trên 35%; 90% sản phẩm nông sản xuất khẩu được dán nhãn hiệu, thương hiệu và được bảo vệ.
Đối với nhóm chỉ tiêu về xã hội, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 50%; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 75%. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên 1,5%/năm. Rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (hệ số GINI) giữa hai khu vực giảm xuống còn dưới 4%.
Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sạch tại nông thôn; 100% công trình thủy lợi trọng điểm được khởi công; trên 90% trục chính nội đồng được cứng hóa; 100% đường trục thôn xóm được cứng hóa; 75% diện tích canh tác được tưới; trên 40% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng đặt mục tiêu với nhóm chỉ tiêu về môi trường là phải giảm trên 10% tổng lượng phát khí thải nhà kính so với năm 2021. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định trên 55%; khai thác bền vững các giá trị tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng rừng.
Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh Lâm Đồng cũng đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp như: Đổi mới các nguồn lực đầu vào và cấu trúc ngành nông nghiệp; Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thực hiện đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, tạo nền tảng vững chắc để phát triển sản xuất, thu hút đầu tư; Đổi mới về thể chế...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao các Sở, ngành, UBND các thành phố và UBND các huyện phối hợp thực hiện, chịu trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ là đơn vị đầu mối ghi nhận các vướng mắc, nội dung cần sửa đổi để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Đề án cho phù hợp hơn.
Anh Đức