Lâm “rác”

STNN – Suốt gần 10 năm, hằng đêm, Lâm miệt mài thu gom rác ở chợ Phan Thiết về cải tạo đất. Hơn 10 ngàn mét vuông được phủ một màu xanh bất tận ngày hôm nay, là thành quả mà ông Lâm – biệt danh Lâm “rác” thu được sau cả một thập niên miệt mài “cõng rác làm giàu”.

Tôi có thói quen từ nhỏ, là làm việc từ 1-2 giờ sáng. Thỉnh thoảng, tôi lội bộ ra chợ đêm Phan Thiết, uống ly trà nóng bên tách cà phê, để đắm mình trong không gian ồn ào mà thanh bình; để tâm hồn thăng hoa cùng hoa quả, cây lá; để ngắm người mua, kẻ bán, ngắm rau, hành, cải, ngò, bầu bí, cà, ớt… từ ngoại ô chở về.

Và ngày nào cũng vậy, lẫn trong cảnh chợ ồn ã đó, có một thanh niên cứ lẳng lặng gom rác, hốt rác, cho vào bao ém chặt rồi chở về nhà ở thôn Đằng Thành, xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Như thành thói quen, như một trình tự: tôi, cứ ngồi đó bên tách cà phê – người ta, cứ bán mua – Lâm, cứ lặng lẽ làm công việc của mình.

Ao cá nhà Lâm “rác”.

Tôi thuộc lòng vùng đất này… Hơn 50 năm về trước, xã Hàm Phong, căn cứ kháng chiến trong chiến tranh gian khổ, nắng thì đất cứng như đá, mưa lại nhẹt như bánh ít, mạch nha. Những đêm công tác, chiến đấu mà gặp mưa, chỉ có cách đi chân không, chùi đất mới di chuyển được trên đường. Da chân cứ dày lên, dày lên và cứng như da bò, đến nỗi đạp những loại gai nhọn mà không bị lủng bàn chân!

Đất bánh ít, bỏ công sức ra làm thì nhiều, nhưng để có cái ăn thì ít. Đất đai bạc màu, tiền lại không có cho đất ăn phân cần tro. Lâm cứ cuốc đi xới lại, rồi khai phá thêm ra vùng đất cằn hoang hóa để gồng gánh một gia đình năm miệng ăn.

Khi cuốc những nhát cuốc mò mẫm trong đêm đen ấy, Lâm nghĩ đến rác ở chợ: rác sẽ “vác phân” mà bón cho đất. Vậy là, cứ mỗi đêm, sau khi bán rau hành, bầu bí, Lâm gom rác, hốt rác mang về. Có gì Lâm gom nấy: từ lá chuối, xác mía, đến giấy loại rác tạp. Lâm chở rác về bằng chiếc xe chành “quá đát”, mà chỉ dám đi giữa đêm khuya bởi… sợ bị phạt.

Sau khi cuốc lật đất, Lâm đổ rác lên trên, không cần phải ban đập. Trời mưa xuống, rác chen vào kẽ đất, len lỏi, phân hủy rồi thấm đẫm vào thớ đất. Đất như được “tẩm bổ”.

Cùng với việc chăm lo cho đất “ăn” rác, dành dụm được ít vốn, mua được một, rồi hai con bò, Lâm đổ rác vào chuồng cho bò ăn rác, dẫm rác. Lâm trộn rác phân bò trong chuồng thành phân bò thương phẩm, đem bán cho các hộ bà con trồng thanh long.

Có thu nhập, Lâm mua thêm vài con heo thả vào chuồng bò. Thế là thành mô hình dây chuyền sản xuất phân bón tự nhiên. Rác hốt về, cho vào chuồng, heo và bò cùng ăn, cùng nhai, cùng ngấu cho bấy như dùng máy xay ra. Heo ủi lên, bò nhai lại, bò dậm xuống. Cứ thế, như cái máy tự nhiên, xới cho phân tơi xốp. Lâm chỉ việc hốt phân, đo khối, đem bón cho cây và đem bán cho nhà vườn thanh long.

Vườn thanh long được trồng trên đất “ăn” rác.

Từ hai bàn tay trắng, bây giờ, khu vườn nhà Lâm phủ một màu xanh tràn nhựa sống, xanh đến mê say: cây trái sum suê, trĩu quả; phong cảnh hữu tình, cu chim cá cảnh, hoa thơm vươn cành, và ngôi nhà mới đầy đủ tiện nghi.

Bên tách trà thơm, Lâm khoe về thành quả phát triển kinh tế gia đình từ rác. Vâng, sự miệt mài lao động với khối óc sáng tạo mới làm nên cuộc sống ấm no hôm nay, làm nên mùa xuân thanh bình trên quê hương nông thôn mới Đằng Thành, Mương Mán, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận!

Lý Nam  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây