Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng nhiều địa phương phía bắc đã xác định cây ăn quả là cây trồng chủ lực nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, ở khu vực này đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, có liên kết, bảo đảm sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo thống kê, năm 2021, diện tích cây ăn quả của cả nước khoảng 1,17 triệu héc-ta, riêng các địa phương phía bắc có gần 441 nghìn héc-ta. Hiện toàn vùng có 15 địa phương sản xuất cây ăn quả lớn, quy mô hơn 10 nghìn héc-ta/tỉnh.
Vượt dịch nhờ liên kết
Trong hai năm qua, dịch Covid-19 khiến việc sản xuất, chế biến, nhất là tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả ở tỉnh Sơn La gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Lò Minh Hùng cho biết: “Để giải quyết những khó khăn trong việc sản xuất, tiêu thụ nông sản nói chung, cây ăn quả nói riêng trong điều kiện dịch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ nhân dân tiêu thụ nông sản, bảo đảm mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch”. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và các huyện ủy, thành ủy tập trung chỉ đạo, triển khai kế hoạch tiêu thụ, chế biến nông sản năm 2021. Trong đó, giao thường trực các huyện ủy, thành ủy bám sát tình hình sản xuất để có kế hoạch tiêu thụ phù hợp và hiệu quả. Đồng thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc để có hướng giải quyết kịp thời trong tiêu thụ, chế biến cây ăn quả tại địa bàn”. Do vậy, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản vẫn được triển khai rất hiệu quả. Nhiều sản phẩm cây ăn quả như: bơ, chanh leo, thanh long, xoài ghép, nhãn… vẫn xuất khẩu được ra nước ngoài và cho thu nhập từ 200 triệu đồng/ha/năm trở lên.
Hiện nay, tỉnh Sơn La đang hỗ trợ duy trì, phát triển 123 chuỗi quả như: xoài, nhãn, mận, chanh leo, bơ, cam, bưởi, dâu tây... an toàn với diện tích hơn 2,3 nghìn héc-ta, sản lượng 24.388 tấn/năm. Ngoài ra, tỉnh cũng đang tiếp tục triển khai bảy dự án hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm xoài theo hướng hữu cơ ở 10 huyện, thành phố với diện tích 308 ha. Theo Bí thư Huyện ủy Yên Châu Tòng Thế Anh, hiện nay trên địa bàn có hơn 10.000 ha cây ăn quả, sản lượng đạt 66.000 tấn/năm. Nhằm bảo đảm tiêu thụ sản phẩm, lãnh đạo huyện và các ban, ngành liên quan thường xuyên khảo sát các vùng trồng để xây dựng phương án tiêu thụ, trong đó chú trọng quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội, hệ thống siêu thị...
Hợp tác xã (HTX) Ngọc Lan, huyện Mai Sơn với 20 thành viên, quy mô sản xuất hơn 100 ha cây ăn quả theo quy trình VietGAP phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, HTX còn liên kết 10 HTX và ba doanh nghiệp để hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ: “Tham gia mô hình, ngoài việc bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, các thành viên còn được hỗ trợ tám tấn phân hữu cơ/ha và được tập huấn kỹ thuật sản xuất. Nhằm hỗ trợ việc sản xuất, tiêu thụ, tỉnh Sơn La thường xuyên cập nhật, cung cấp các thông tin về thị trường, tình hình thông quan tại các cửa khẩu cho các doanh nghiệp, HTX biết và định hướng sản xuất, thu hoạch”. Ông Đào Xuân Yết, bản Nà Cang, thành viên HTX Ngọc Lan cho biết: “Gia đình tôi trồng bốn héc-ta xoài, bưởi da xanh. Sau khi tham gia HTX, sản phẩm không lo đầu ra như trước vì đã được liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch”.
Năm 2021, tỉnh Hải Dương có hơn 21,5 nghìn héc-ta cây ăn quả với sản lượng khoảng 285,5 nghìn tấn, giá trị sản xuất từ cây ăn quả theo giá thực tế khoảng hơn ba nghìn tỷ đồng, bình quân đạt 142 triệu đồng/ha, tăng 11,7 triệu đồng/ha so với năm 2020. Riêng với cây ổi, toàn tỉnh có hơn 2,4 nghìn héc-ta, năng suất khoảng 330 tạ/ha, sản lượng hơn 73,4 nghìn tấn. Vụ thu hoạch vừa qua, ổi được tiêu thụ chủ yếu tại các địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… với giá từ 6.000 đến 10.000 đồng/kg, giá trị đạt khoảng 350 đến 370 triệu đồng/ha/năm.
Mở rộng các vùng trồng tập trung
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả nước ta phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng, phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước và gia tăng xuất khẩu, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Trong đó, các địa phương tỉnh phía bắc có khí hậu nhiệt đới gió mùa, cùng với sự phân hóa của độ cao địa hình tạo nên những tiểu vùng sinh thái đa dạng, có thể phát triển được nhiều loại cây ăn quả có nguồn gốc nhiệt đới như: Chuối, dứa, xoài...; á nhiệt đới như: Vải, nhãn, hồng, cây ăn quả có múi và một số cây ăn quả ôn đới như: Lê, đào, mận, mơ... Hiện nay, nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả hàng hóa tập trung quy mô lớn như: Vải, nhãn, cam, bưởi, xoài, chuối, na, mận...
Hiện nay, tỉnh Sơn La có hơn 82.000 ha cây ăn quả các loại với sản lượng khoảng 400.000 tấn. Trong mấy năm gần đây, Sơn La cũng đã trở thành địa phương trồng cây ăn quả lớn nhất miền bắc. Để đạt kết quả đó, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản thì tỉnh còn triển khai tốt việc liên kết sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả. Nhờ đưa giống cây ăn quả mới cho năng suất, chất lượng cao, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt cho nên xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cây ăn quả cho hiệu quả cao như: Bơ thu nhập 218 triệu đồng/ha, thanh long 225 triệu đồng/ha; nhãn ghép 226 triệu đồng/ha, mận hậu 228 triệu đồng/ha, xoài ghép 262 triệu đồng/ha, hồng giòn 293 triệu đồng/ha, na 356,7 triệu đồng/ha, dâu tây 414,5 triệu đồng/ha… Để phát triển bền vững vùng cây ăn quả, thời gian tới tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục chỉ đạo sở, ban, ngành liên quan và các huyện, thành phố tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu lên khảo sát vùng trồng, kết nối tiêu thụ; phối hợp các sàn thương mại điện tử đưa các sản phẩm cây ăn quả của tỉnh vào quảng bá, giao dịch và tiêu thụ được thuận lợi hơn.
Theo Cục Trồng trọt, thời gian tới, các địa phương cần phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững và nâng cao giá trị và phát triển; ưu tiên trồng tái canh, cải tạo giống theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, xuất khẩu; phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao tính cạnh tranh và góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tổ chức lại sản xuất, tạo liên kết đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả cao giữa sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Căn cứ vào định hướng phát triển chung, mỗi địa phương nên chọn một số chủng loại cây ăn quả chủ lực, xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường, chế biến. Khuyến khích doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đầu tư liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây ăn quả; đẩy mạnh hình thành các liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu trái cây; tập trung xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng.
Theo Nhân dân