Mật ong không ngòi bản địa của Úc được bán ra thị trường

STNN - Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc và New Zealand (FSANZ) đã chấp thuận việc bán và sử dụng mật ong dú (ong không ngòi) bản địa của Úc.

mật ong ong không ngòi bản địa của Úc được tung ra thị trườngHiện nay, Úc có hơn 1.700 loài ong bản địa, từ những loài ong nhỏ sống đơn độc đến các loài ong dú sống theo bầy đàn. Hiệp hội Ong bản địa Úc (ANBA), một tổ chức phi lợi nhuận, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và bảo tồn các loài ong này đã thúc đẩy việc sử dụng bền vững trong nông nghiệp và sản xuất mật ong, đồng thời khuyến khích nghiên cứu về ong bản địa.

FSANZ đã công bố tiêu chuẩn mới trong Bộ luật Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc - New Zealand vào ngày 22/7/2024. Tiêu chuẩn Thực phẩm 2.8.3 mới được thiết lập, có tên là "mật ong bản địa", quy định các yêu cầu về thành phần và quy tắc ghi nhãn để phân biệt mật ong bản địa của Úc với mật ong từ ong mật châu Âu. Tiêu chuẩn này nêu rõ các điểm khác biệt như hàm lượng đường khử thấp hơn, hàm lượng nước cao hơn và các đặc điểm cụ thể khác.

Đơn đăng ký của Hiệp hội Ong bản địa Úc đã được cơ quan quản lý xem xét và đánh giá nghiêm ngặt. Trong một thông cáo báo chí, tổ chức này cho biết việc thiết lập tiêu chuẩn thực phẩm và quy định cho mật ong bản địa sẽ nâng cao sự tin tưởng của người tiêu dùng về tính an toàn và giá trị dinh dưỡng của sản phẩm.

Khi đánh giá rủi ro, FSANZ không tìm thấy bằng chứng thuyết phục nào cho thấy tiêu thụ mật ong bản địa theo các yêu cầu về thành phần gây ra rủi ro sức khỏe cho cộng đồng, miễn là người nuôi ong tuân thủ các biện pháp vệ sinh tốt trong thu hoạch và chế biến.
Báo cáo chỉ ra rằng rủi ro từ mật ong đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương tương đương với rủi ro từ mật ong nói chung. Để giải quyết vấn đề này, FSANZ đã bổ sung một tiêu chuẩn mới vào Bộ luật Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc - New Zealand, quy định yêu cầu về thành phần và quy tắc ghi nhãn cho mật ong bản địa của Úc. Theo tiến sĩ Sandra Cuthbert, Tổng Giám đốc điều hành FSANZ, mật ong từ ong dú có hàm lượng đường và độ ẩm khác biệt so với mật ong từ ong mật châu Âu, do đó cần có quy định riêng.

ANBA cho rằng, việc thiết lập một tiêu chuẩn thực phẩm cho mật ong bản địa sẽ củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào đặc tính an toàn và dinh dưỡng của mật ong bản địa, khuyến khích tăng sản lượng và tính khả dụng trên thị trường. Hiện tại, mật ong bản địa rất khan hiếm và chủ yếu chỉ có thể mua được từ những người bán hàng trên Internet, vì sản phẩm này chưa có mặt rộng rãi tại các cửa hàng bán lẻ.

Minh Ngọc (t/h)