Nghiên cứu mới liên kết việc ong mật tiếp xúc với thuốc trừ sâu neonicotinoid và sức khỏe đàn ong

STNN - Ong mật là loài thụ phấn rất quan trọng cho nông nghiệp và hệ sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên, chúng đang đối mặt với nhiều mối đe dọa, như biến đổi khí hậu, mất môi trường sống và tiếp xúc với thuốc trừ sâu. Những yếu tố này ảnh hưởng đến khả năng kiếm phấn hoa của chúng, nguồn tài nguyên thiết yếu cho sự sống còn của đàn ong.
ong-mat-va-thuoc-tru-sau-stnn-min-1746416325.jpg
Hình minh họa - Nguồn: Freepik.

Các nhà nghiên cứu tại Khoa Khoa học & Công nghệ Môi trường của ACS (một tổ chức khoa học phi lợi nhuận tại Hoa Kỳ) đã chỉ ra rằng một hệ thống giám sát sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với mô hình máy tính có thể liên kết việc ong mật tiếp xúc với thuốc trừ sâu neonicotinoid với sức khỏe của toàn bộ đàn ong.

Thuốc trừ sâu neonicotinoid rất phổ biến trong nông nghiệp. Khi cây trồng hấp thụ, chúng phân tán hóa chất này vào các mô, làm cho phấn hoa trở nên độc hại cho ong mật. Các nghiên cứu trước đây cho thấy ong mật tiếp xúc với neonicotinoid thường thu thập phấn hoa ít hơn trong ngày. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hành vi thu thập phấn hoa của từng con ong và sức khỏe của đàn ong vẫn chưa được nghiên cứu nhiều.

Hiện tại, một nhóm nghiên cứu đa ngành do ông Ming Wang dẫn đầu hy vọng sẽ thay đổi điều này bằng cách kết hợp dữ liệu từ nghiên cứu thực địa với mô hình máy tính và hệ thống giám sát dựa trên AI.

Các nhà nghiên cứu đã lặp lại các thí nghiệm thực địa về việc kiếm phấn hoa mà họ thực hiện vào năm 2019. Trong thí nghiệm này, họ cho ong mật tiếp xúc với liều neonicotinoid ở mức không gây chết và sau đó theo dõi hoạt động của chúng bằng công nghệ camera dựa trên AI cùng với các phương pháp độc chất sinh thái truyền thống.

Họ đã phân tích dữ liệu thu thập được bằng mô phỏng máy tính mang tên BEEHAVE, được thiết kế để nghiên cứu tác động của căng thẳng lên động lực của đàn ong mật. Qua phương pháp tiếp cận mới, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng ngay cả khi tiếp xúc với thuốc trừ sâu neonicotinoid ở mức thấp, ong mật vẫn thu thập phấn hoa kém hiệu quả hơn, cả ở cấp độ cá nhân và đàn ong. Điều này đã xác nhận lại các nghiên cứu trước đó của họ.

"Chúng tôi rất ngạc nhiên khi có thể lặp lại những phát hiện từ thí nghiệm thực địa đầu tiên của mình vào năm 2019. Hành vi của đàn ong mật thay đổi rất nhiều, đến mức khó phát hiện những tác động có ý nghĩa thống kê." - Nhà nghiên cứu Silvio Knaebe cho biết.

Dựa trên những kết quả ban đầu này, các nhà nghiên cứu cho rằng mô hình mới của họ, trong đó hành vi kiếm phấn hoa là một thông số quan trọng, có thể là công cụ duy nhất để đánh giá rủi ro từ thuốc trừ sâu trong thực địa, cả ở cấp độ cá nhân của ong mật và toàn đàn ong.

Huỳnh Son (theo Sciencedaily)