
Cây Sơn tra được gây trồng chủ yếu từ hạt và cành ghép; về khả năng cho thu hái quả bói của cây ghép từ 2 đến 3 năm và cây trồng từ hạt từ 3 đến 4 năm. Sơn tra cho thu hái quả ổn định từ 5 đến 6 năm. Đây là loài cây hiện nay đang được gây trồng nhiều vì mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, dược liệu và bảo vệ môi trường cho người dân tộc vùng cao.
Về giá trị Dược liệu quả cây Sơn tra có các loại nhóm hợp chất như Flavonoid (Hyperoside, Luteolin - 7 glucoside, Rutin, Quercetin, Vitexin và Vitexin rhamnosides, Oligomeric procyanidins, Flavans và các dẫn xuất Triterpene, các acid hữu cơ, các phenolic đơn giản, có tác dụng đa năng, vừa được làm thuốc trong ngành y học cổ truyền và y học hiện đại nhằm ngăn ngừa và làm giảm một số loại bệnh như: rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, rồi loạn nhịp tim, hạ huyết áp, bảo vệ tế bào gan, tăng cường công năng miễn dịch và kháng khuẩn, điều chế rối loạn lipid máu, nhồi máu cơ tim, viêm cầu thận cấp và mãn tính… ngoài ra vừa được dùng làm đồ uống giải khát, còn ngâm rượu và rượu ngâm quả Sơn tra (táo mèo) là bản sắc vùng Tây Bắc.
Về giá trị môi trường cây Sơn tra đang được gây trồng hồn giao với các loài cây trồng rừng phòng hộ trên đất chưa có rừng quy hoạch cho mục đích phòng hộ, trồng rừng sản xuất, trồng bổ sung cây Sơn tra trên đất rừng phòng hộ nghèo kiệt nhằm nâng cao năng suất, giá trị trên một đơn vị diện tích rừng, góp phần tăng cường năng lực, hiệu quả bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống của người dân địa phương.
Trước những diễn biến về sâu, bệnh hại mới cây Sơn tra ở trên cho thấy có chiều hướng gây hại rất phức tạp, chiều hướng phát triển nhanh trên địa bàn các tỉnh, việc phòng trừ gặp rất nhiều khó khăn vì chưa xác định được tên khoa học các loài sâu bệnh, đặc điểm sinh học, sinh thái và đặc biệt chưa có biện pháp phòng trừ hợp lý. Xuất phát từ thực tiễn trên, GS.TS. Phạm Quang Thu cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại chính cây Sơn tra (Docynia indica Willich) tại miền núi phía Bắc” với mục tiêu: Xác định được danh mục thành phần loài sâu, bệnh hại cây Sơn tra; Xác định được đặc điểm sinh học, sinh thái của các loài sâu, bệnh hại chính; Xây dựng được quy trình phòng trừ tổng hợp đối với các loài sâu, bệnh hại chính.
Kết quả điều tra xác định được 28 loài sâu hại Sơn tra, trong đó có 18 loài sâu hại ở vườn ươm; 28 loài sâu hại ở rừng trồng và rừng tự nhiên. Xác định được loài Xén tóc đục thân Bacchisa medioviolacea (Cerambycidae: Coleoptera) là loài sâu hại chính và xác định được 15 loài nấm gây hại Sơn tra ở vườn ươm, rừng trồng và rừng tự nhiên và xác định được loài loài nấm Colletotrichum siamense (Glomerellacea: Glomerellales) là loài hại chính. Trong 15 loài nấm gây hại Sơn tra này đề tài đã giám định được 1 loài nấm mới cho khoa học đó là loài Phytophthora docynia (Q.N. Dang, T.H. Nguyen & T.I. Burgess, 2021).
Xác định được vòng đời của loài Xén tóc đục thân Bacchisa medioviolacea, thời gian trưởng thành trung bình 17,6 ngày, thời gian trứng trung bình 27,55 ngày; sâu non trung bình 627,3 ngày và nhộng trung bình 48,9 ngày và xác định được lịch phát sinh của Xén tóc đục thân 2 năm 1 vòng đời. Xác định được loài Xen tóc đục thân gây hại mạnh cây Sơn tra từ cấp tuổi 2 trở đi.
Xác định được Bệnh thối quả do nấm Colletotrichum siamense, sinh trưởng tốt nhất trong điều kiện từ 20-25 độ C; gây hại mạnh vào tháng 7, tháng 8 hàng năm và gây hại mạnh cây Sơn tra từ cấp tuổi 2 trở đi.
Xác định được các biện pháp phòng trừ tổng hợp Xén tóc đục thân cây Sơn tra ở Sơn La, Yên Bái và Lào Cai: Biện pháp lâm sinh: phát dọn dây leo, cỏ dại, cây bụi, xới đất vun gốc quanh gốc theo độ rộng của tán cây và kết hợp bón thúc sau mỗi vụ thu hoạch quả, tỉa những cành nhỏ trong tán cây, cành mọc song song, cành đan chéo, cành bị sâu bệnh hại, cành vượt, cành mọc dưới gốc ghép và bón thúc 500g phân NPK Lâm Thao (16-16-8S)/cây và ngoài ra bảo vệ trâu, bò, gia súc phá hoại và cháy rừng.
Biện pháp thủ công: Sử dụng dao nhọn và sắc để thu trứng và thu sâu non tuổi 1 và tuổi 2 nắm dưới lớp vỏ thân và sử dụng vợt lưới để thu bắt trưởng thành. Biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học phun xén tóc trưởng thành bằng hoạt chất Abamectin (Abatimec 3.6EC) và Bacillus thuringiensis var. kurstaki 16.000 IU/mg + Granulosis virus 108 PIB (Bitadin WP) và hoạt chất hóa học Cypermethrin (Sherbush 25EC) và Etofenprox (Trebon 10EC) có hiệu lực tốt nhất đều trên 80%.
Xác định được các biện pháp phòng trừ tổng hợp Bệnh thối quả cây Sơn tra ở Sơn La, Yên Bái và Lào Cai: Biện pháp lâm sinh: phát dọn dây leo, cỏ dại, cây bụi, xới đất vun gốc quanh gốc theo độ rộng của tán cây và kết hợp bón thúc sau mỗi vụ thu hoạch quả, tỉa những cành nhỏ trong tán cây, cành mọc song song, cành đan chéo, cành bị sâu bệnh hại, cành vượt, cành mọc dưới gốc ghép và bón thúc 500g phân NPK Lâm Thao (16 -16 - 8S)/cây và ngoài ra bảo vệ trâu, bò, gia súc phá hoại và cháy rừng.
Đề tài đã xây dựng được 03 mô hình tại Sơn La, Yên Bái và Lào Cai, mỗi mô hình 2ha/tỉnh, hiệu quả phòng trừ đạt trên 80% và hiệu quả kinh tế đạt trên 15%. Đề tài đã thông qua quy trình kỹ thuật phòng trừ tổng hợp sâu, bệnh hại chính cây Sơn tra tại tỉnh Yên Bái Tập huấn chuyển giao quy trình phòng trừ tổng hợp sâu, bệnh hại chính cây Sơn tra tại Sơn La 30 người, Yên Bái 30 người và Lào Cai 30 người.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 23230/2023) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.