
Những năm qua, Chính phủ quan tâm sâu sát đến việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Trong đó, tăng trưởng xanh được xem là cốt lõi của sự phát triển. Ngày 25/9/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chính phủ khẳng định: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”.
Mục tiêu chung của chiến lược đó là “Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội”. Trong đó, có ba nhiệm vụ chiến lược được đề ra: Thứ nhất, giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thứ hai, xanh hóa sản xuất; Thứ ba, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”. Trong đó, định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên...; đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tái trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Bên cạnh đó, ngày 01/11/2021, tại Hội nghị Thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời nhất trí ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho các cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí mê-tan.
Với những chính sách, quyết sách và chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ trong công cuộc chuyển đổi nền kinh tế theo định hướng phát triển xanh là nền tảng quan trọng cho nền nông nghiệp Việt Nam “chuyển mình”. Thời gian qua, nền nông nghiệp ngày càng có nhiều mô hình “kinh tế xanh”, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tái sinh phát triển hiệu quả.
Điển hình, như chương trình NESCAFÉ Plan của Nestlé Việt Nam đồng hành cùng nông dân phát triển canh tác nông nghiệp tái sinh. Triển khai tại Việt Nam từ năm 2011, chương trình NESCAFÉ Plan đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức của ngành cà phê tại Việt Nam thông qua các giải pháp cụ thể và sáng tạo, tập trung vào nông nghiệp tái sinh, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện sinh kế nông dân và bảo vệ môi trường. Đến nay, chương trình đã giúp 21.000 nông hộ sản xuất cà phê Bền vững theo Bộ tiêu chuẩn 4C, nâng cao thu nhập từ 30% - 100%; Phân phát trên 86 triệu cây giống chất lượng cao, tái canh trên 86.000 ha cà phê già cỗi; Giảm 40% - 60% lượng nước tưới; Giảm 20% lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, chương trình góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm tham chiếu của cà phê Robusta trên toàn thế giới.

Có thể nói, nông nghiệp tái sinh đang mang lại những hy vọng mới cho lợi ích của nông dân, cho môi trường và xã hội ở Việt Nam một cách bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, đây là hình thái nông nghiệp mới vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước, cần thời gian chuyển đổi. Nếu ứng dụng tốt, nông nghiệp tái sinh sẽ thúc đẩy nền nông nghiệp phát thải thấp, mang lại lợi ích thiết thực trong việc cân bằng phát triển kinh tế nông nghiệp và bảo vệ môi trường.