STNN - Phát triển nông nghiệp xanh cần được dần phát triển, nhân rộng, hướng đến sản xuất hữu cơ, sử dụng nhiên liệu đảm bảo cho năng suất và chất lượng, an toàn cho môi trường.
Hình minh họa - Nguồn: InternetMức sống người dân ngày càng được nâng cao và cải thiện, xu hướng lựa chọn và tiêu dùng thực phẩm của người dân hiện nay hướng đến các sản phẩm vừa sạch, bảo đảm, an toàn cho sức khoẻ nhưng cũng thân thiện với môi trường. Đây là tiền đề để nông nghiệp xanh tại Việt Nam từng bước tiếp cận và phát triển.
Những năm qua, nông nghiệp Việt Nam liên tục tăng trưởng, phát triển mọi mặt và đạt được những thành tựu to lớn; lương thực, thực phẩm luôn được đảm bảo về mọi mặt số lượng, chất lượng và có những nguồn cung dồi dào, đáp ứng được nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nông nghiệp phải đối mặt với những thách thức như: diện tích đất canh tác bị thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm tăng do dân số tăng, lượng tồn dư của thức ăn trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa được xử lý triệt để; lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa được kiểm soát chặt chẽ về cả chất lượng gây ra sự nguy hại tới môi trường sống. Vì thế, xu hướng phát triển nền nông nghiệp xanh dần nhận được sự quan tâm của ngành nông nghiệp (đảm bảo được sự vững chắc, tính lâu dài).
Mục tiêu của nông nghiệp xanh hướng đến gia tăng chất lượng cây trồng, vật nuôi, cần đảm bảo giá trị “xanh” với môi trường và an toàn đối với người tiêu dùng. Công nghệ sinh học, nhiên liệu sinh học, phân bón sinh học, nhiên liệu hóa thạch sử dụng trong quá trình canh tác cũng cần có sự điều tiết, xử lý, chế biến và nghiên cứu kỹ càng; chế biến sinh khối; nghiên cứu các phương pháp, kỹ năng thâm canh mới.
Nền nông nghiệp xanh còn là cơ hội để phát triển tư duy sinh thái, xây dựng lối sống hài hoà giữa con người với tự nhiên, định hướng xã hội văn minh, giàu tính nhân văn. Song song với đó, phát triển nông nghiệp xanh giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cũng như hiệu ứng nhà kính.
Để phát triển nông nghiệp xanh phải xuất phát từ chính sách, vật tư đầu vào của ngành phải đảm bảo tiêu chí “xanh”. Sau đó, nhân rộng mô hình sản xuất “xanh”, đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Chủ thể cần quan tâm để tạo “bước chuyển mình xanh” cho nền nông nghiệp hướng đến là nông dân, vì họ trực tiếp là những người sử dụng phương thức “xanh” cho sản xuất trên đồng ruộng, nông sản.
Thu Hạnh (TH)