Ðến nay, ngành nông nghiệp Hà Nội đã cung cấp được một số loại thực phẩm chính (thịt lợn, thịt gia cầm, trứng) khoảng hơn 94% từ chăn nuôi của các huyện ngoại thành, rau củ là 65,1%, trái cây được 28,8%… cho thị trường.
Ðể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tới đây ngành nông nghiệp cần tiếp tục tập trung phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung có năng suất và chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Năm năm trở lại đây, ngành nông nghiệp Hà Nội đã phát triển được nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt hiệu quả kinh tế cao. Năm 2021, thực hiện mục tiêu kép: Vừa sẵn sàng phòng, chống dịch Covid-19, vừa khôi phục sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, ngành đã chủ động triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong sản xuất lúa, cây rau màu ngắn ngày; mở rộng diện tích sản xuất các giống hoa (lily, hồng, lan...), cây cảnh đem lại hiệu quả kinh tế tốt. Ðồng thời khuyến khích mở rộng sản xuất các giống cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày có năng suất, chất lượng cao, ổn định và phát triển các chủng loại cây ăn quả đã có thương hiệu: Bưởi Diễn, nhãn muộn Ðại Thành, ổi Ðông Dư, bưởi sạch Sóc Sơn, cam Kim An, bưởi tôm vàng Ðan Phượng, nhãn muộn Hoài Ðức, chuối Vân Nam, ổi Cự Khối... Tại một số xã ở các huyện Ðan Phượng, Hoài Ðức, Thường Tín, Mê Linh, Thạch Thất..., một số hộ dân trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh thu nhập hàng trăm triệu đồng /ha/năm. Nhiều vùng sản xuất rau an toàn tại các huyện Ðông Anh, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Gia Lâm đạt giá trị kinh tế cao.
Hiện thành phố xây dựng được 141 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này đã khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay, điển hình như: Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh (huyện Thạch Thất), áp dụng công nghệ cao của Nhật Bản, Ðức vào sản xuất nông nghiệp, với các mô hình nhà kính, sản xuất rau thủy canh, nuôi cấy tảo xoắn để chiết xuất dược liệu và trồng rau kết hợp với cây dược liệu, du lịch và nghỉ dưỡng. Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Ðan Phượng), diện tích 5 ha với sản lượng 3 tạ rau/ngày, trung bình mỗi tháng cho thu nhập hơn 120 triệu đồng. Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (10 ha) tại huyện Chương Mỹ, ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống quan trắc thời tiết i.Mentos 3.3 A-G để cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Quy trình kỹ thuật chăm sóc rau ăn lá được thực hiện theo quy trình kỹ thuật chuyển giao từ tỉnh Ibaraki-Nhật Bản và ứng dụng màng phủ không dệt để phòng trừ sâu bệnh và nâng cao hiệu quả cây trồng. Mô hình sản xuất nấm theo công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Ðức), với tổng vốn đầu tư 3 triệu USD, diện tích 3 ha, diện tích nuôi trồng nấm 3.000 m2; sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất đóng gói 100% của Nhật Bản, năng suất hiện nay đạt 3 tấn/ngày; lương tháng bình quân của công nhân đạt từ 6 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó là các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi khép kín hoạt động có hiệu quả, gồm: Chuỗi thực phẩm A-Z, chuỗi trứng Tiên Viên, chuỗi trứng 729, chuỗi thực phẩm Organic Green, chuỗi thịt lợn Thủy Thiên Nhu, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, chuỗi sữa Vinh Nga. Một số vùng nuôi trồng thủy sản ở các huyện Ứng Hòa, Quốc Oai, Thanh Trì cũng khởi sắc. Chia sẻ với chúng tôi, chủ trang trại chăn nuôi Kiều Hữu Hợp (huyện Thạch Thất) cho biết, nhờ kết hợp "ao-chuồng" để vừa nuôi lợn rừng và cá, thu nhập mỗi năm của gia đình ông tương đối cao, cuộc sống được nâng lên một bước.
Theo đánh giá của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, thời gian qua nông nghiệp Thủ đô có nhiều khởi sắc song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, do việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, nhất là chế biến sâu; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, đặc biệt là chính sách về đất đai để phát triển kinh tế hợp tác xã, trang trại, công nghệ cao. Sản phẩm nông nghiệp được bảo quản, chế biến bằng công nghệ cao còn thấp. Việc hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; trình độ lao động nông nghiệp ngày càng bị già hóa. Tình trạng nông dân bỏ ruộng không sản xuất nông nghiệp vẫn còn ở một số địa phương và có chiều hướng gia tăng. Nhận thức về việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, trang trại của một số cán bộ và người dân chưa đầy đủ. Nhiều trang trại hoạt động sản xuất tự phát, phát triển chưa theo quy hoạch. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Chưa có nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung gây khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Ðể giải quyết những bất cập nêu trên, theo Chi cục trưởng Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, thời gian tới, thành phố nên có thêm những cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tổ chức chuỗi liên kết; hỗ trợ vùng để tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đặc sản vùng miền đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Hy vọng sau khi những giải pháp đồng bộ này được thực hiện, Hà Nội sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Nhân dân