Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân

STNN - Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
nu-tri-thuc-gop-phan-cai-thien-doi-song-stnn-1729654539.jpg
TS Văn Thị Phương Như khảo sát đặc tính của vi khuẩn nội sinh trong cây lúa trồng trên đất ở tỉnh Phú Yên.

Vai trò và thực trạng

Phú Yên, với đặc thù là một tỉnh nông nghiệp kết hợp với thủy sản và du lịch, đang dần chuyển mình để theo kịp sự phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Trong quá trình này, nữ trí thức địa phương đã và đang đóng góp nhiều vào việc nghiên cứu các giải pháp công nghệ, ứng dụng khoa học trong sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững.

Các nhà khoa học nữ không chỉ giới hạn trong các ngành nghề truyền thống như giáo dục hay y tế, mà còn vươn ra các lĩnh vực như kỹ thuật, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo và sinh học. Nhiều người trong số họ đã tạo ra những sản phẩm công nghệ mới, đưa ra các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và cải thiện đời sống cộng đồng.

Hiện nay, đội ngũ nữ trí thức khoa học và công nghệ tại Phú Yên đang ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo thống kê, tỷ lệ nữ trí thức trong tổng số cán bộ KH&CN của tỉnh không ngừng gia tăng. Điều này không chỉ thể hiện sự tiến bộ trong nhận thức xã hội về vai trò của phụ nữ mà còn phản ánh sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các nữ trí thức để khẳng định vị trí và năng lực của mình trong lĩnh vực vốn được xem là nam giới chiếm ưu thế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, đội ngũ nữ trí thức khoa học và công nghệ của tỉnh cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số đó là sự hạn chế về cơ hội tiếp cận với các nguồn tài nguyên KH&CN tiên tiến, các chương trình đào tạo chuyên sâu, và các dự án nghiên cứu lớn. Điều này khiến cho việc phát huy tối đa tiềm năng của nữ trí thức trong lĩnh vực KH&CN vẫn chưa thực sự đạt được như mong muốn.

Mặt khác, do đặc thù kinh tế - xã hội của Phú Yên là một tỉnh có nhiều vùng nông thôn, miền núi, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học tại các khu vực này còn hạn chế. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho việc triển khai các dự án nghiên cứu khoa học cũng như chuyển giao công nghệ.

Dù gặp không ít khó khăn, nhưng nhiều nữ trí thức tại Phú Yên đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Các dự án nghiên cứu do họ đứng đầu đã mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng.

nu-tri-thuc-gop-phan-cai-thien-doi-song-stnn-2-1729654539.jpg
TS Nguyễn Thị Trúc Mai, với giống sắn mới KM419 tại xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều nữ khoa học đã tiên phong trong việc nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao và khả năng chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giúp cải thiện sản lượng nông sản tại địa phương. (TS Nguyễn Thị Trúc Mai, ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Với công trình nghiên cứu tuyển chọn giống sắn năng suất tinh bột cao KM419 đã và đang triển trồng ở xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên)

Đặc biệt, việc nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp canh tác hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học để giảm thiểu việc sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Phú Yên. (TS Văn Thị Phương Như - giảng viên trường Đại học Phú Yên chuyên ngành sinh học - môi trường với đề tài có tính ứng dụng cao “Phân lập và tuyển chọn các chủng vi sinh có khả năng phân giải photpho khó tan và thuốc trừ sâu photpho hữu cơ Methidathion trong các vùng đất khác nhau ở Phú Yên”.

Trong ngành công nghệ sinh học, một số nữ trí thức đã đạt được thành tựu trong việc nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng thủy sản, giúp cải thiện chất lượng giống và quản lý môi trường nuôi trồng. Những nghiên cứu này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên. (Th.S Phạm Thị Ngọc Nga, ở huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Công tác ở Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp và Đổi mới sáng tạo thuộc Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung - Bộ Công Thương. Với mô hình “Nuôi tảo xoắn Spirulina bằng nguồn nước khoáng Lạc Sanh kết hợp công nghệ chiếu sáng Led”).

Ngoài ra, trong lĩnh vực y tế, các nữ trí thức Phú Yên cũng đã đóng góp nhiều vào công tác nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp điều trị bệnh tiên tiến, phát triển các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trong việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm. (BS Đàm Đinh Hồng Hoa, Khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng  của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên với đề tài “Phục hồi vận động sau đột quỵ của phương pháp châm cứu cải tiến”; phương pháp “Kéo giãn cột sống cải tiến trong điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng”; phương pháp “Cuộn da cột sống kết hợp bấm huyệt mệnh môn thận du trong điều trị phục hồi vận động sau đột quỵ…)

nu-tri-thuc-gop-phan-cai-thien-doi-song-stnn-3-1729654539.jpg
Th.S Phạm Thị Ngọc Nga, Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung (Bộ Công Thương).

Giải pháp phát triển

Một điểm sáng trong việc phát triển đội ngũ nữ trí thức tại Phú Yên là sự quan tâm của các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị xã hội trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nữ trí thức phát huy năng lực. Các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nữ trong lĩnh vực KH&CN đang ngày càng được chú trọng, giúp họ có cơ hội tham gia vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ mới.

Để đội ngũ nữ trí thức KH&CN tại Phú Yên phát triển mạnh mẽ hơn trong thời kỳ hội nhập, cần có những giải pháp cụ thể và hiệu quả.

Trước hết, cần xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho nữ trí thức, đặc biệt là trong các lĩnh vực KH&CN mũi nhọn như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo cơ hội để các nữ trí thức được tiếp cận với các công nghệ mới, các xu hướng nghiên cứu hiện đại trên thế giới. Các cơ quan quản lý cũng cần tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu để nữ trí thức có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo và nghiên cứu.

Cuối cùng, cần có các chính sách hỗ trợ về tài chính, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, qua đó tạo cơ hội cho nữ trí thức tham gia vào các dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống.

Đội ngũ nữ trí thức khoa học và công nghệ tỉnh Phú Yên đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong sự phát triển chung của địa phương. Trong bối cảnh hội nhập, họ không chỉ đối mặt với nhiều thách thức mà còn có cơ hội để phát triển và vươn xa hơn. Với sự hỗ trợ của các chính sách phát triển nguồn nhân lực, cùng sự nỗ lực của bản thân, các nữ trí thức Phú Yên sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ của tỉnh và của đất nước.

Huỳnh Đức Thế

Theo VUSTA