Nông nghiệp
Lúa đông xuân
Tính đến 20/3/2025, cả nước gieo cấy được 2.949,4 nghìn ha lúa đông xuân, tăng 17,2 nghìn ha so với vụ đông xuân năm 2024. Các địa phương phía Bắc đạt 1.033,4 nghìn ha, giảm 7,6 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước; các địa phương phía Nam đạt 1.916,0 nghìn ha, tăng 24,8 nghìn ha, trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.508,3 nghìn ha, tăng 20,7 nghìn ha. Diện tích gieo trồng lúa đông xuân tại các địa phương phía Nam tăng so với vụ đông xuân năm trước chủ yếu do chuyển một phần diện tích lúa vụ thu đông năm 2024 sang gieo trồng vụ đông xuân năm 2025. Một số địa phương có diện tích gieo cấy lúa đông xuân tăng là: Long An đạt 242,9 nghìn ha, tăng 3,9 nghìn ha; Bến Tre đạt 7,7 nghìn ha, tăng 6,9 nghìn ha; Bạc Liêu đạt 58,2 nghìn ha, tăng 13,2 nghìn ha.

Các địa phương phía Bắc đang tiến hành chăm sóc lúa đông xuân đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng thuận lợi, đạt tỷ lệ đẻ nhánh tối ưu đồng thời tập trung phòng trừ sâu bệnh gây hại. Các trà lúa xuân sớm đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, lúa trà xuân muộn đang giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh. Tại các địa phương phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch 1.060,3 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 70,3% diện tích gieo cấy và bằng 105,3% cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 72,0 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; sản lượng ước đạt 10,9 triệu tấn, tăng 109 nghìn tấn. Một số địa phương có năng suất lúa đông xuân giảm mạnh so với vụ đông xuân năm 2024 gồm: Tiền Giang giảm 2,4 tạ/ha do ảnh hưởng sâu rầy, chuột phá hoại; Sóc Trăng giảm 1,7 tạ/ha do ảnh hưởng mưa trái mùa.
Lúa mùa
Tính đến 20/3/2025, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn tất công tác thu hoạch lúa vụ mùa 2024-2025. Diện tích gieo trồng lúa mùa của toàn Vùng đạt 191,8 nghìn ha, tăng 8,7 nghìn ha so với vụ mùa năm trước chủ yếu do người dân mở rộng diện tích gieo trồng trên nền đất nuôi tôm không hiệu quả. Năng suất lúa mùa vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay ước đạt 52,7 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha so với vụ mùa năm trước do ảnh hưởng mưa trái mùa trong giai đoạn lúa trổ bông; sản lượng ước đạt 1,0 triệu tấn, tăng 35,4 nghìn tấn.
Cây hằng năm
Tính đến 20/3/2025, tiến độ gieo trồng một số cây rau màu vụ đông xuân như rau đậu các loại, ngô tăng so với cùng kỳ năm trước; diện tích lạc, khoai lang, đậu tương giảm chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao.
Cây lâu năm
Sản lượng cây ăn quả quý I năm nay tăng khá so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng diện tích cho sản phẩm và tăng năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, bà con đã chú trọng đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống cây cho năng suất cao, mẫu mã sản phẩm đẹp, đáp ứng nhu cầu của tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản lượng một số cây ăn quả chủ yếu tăng khá như: Sầu riêng đạt 162,4 nghìn tấn, tăng 16,8%; chuối đạt 708,9 nghìn tấn, tăng 5,6%; xoài đạt 194,2 nghìn tấn, tăng 5,3%; cam đạt 336,1 nghìn tấn, tăng 4,0%; bưởi đạt 161,0 nghìn tấn, tăng 2,5%; thanh long đạt 330,9 nghìn tấn, tăng 2,1%.
Trong những tháng đầu năm, nhờ thời tiết thuận lợi, cùng với áp dụng hiệu quả các biện pháp khoa học kỹ thuật, tăng cường đầu tư chăm sóc nên sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm quý I/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước: Dừa đạt 546,7 nghìn tấn, tăng 8,2%; hồ tiêu đạt 145,6 nghìn tấn, tăng 4,8%; chè búp đạt 178,3 nghìn tấn, tăng 2,9%; cao su đạt 137,7 nghìn tấn, tăng 2,7%.
Chăn nuôi

Chăn nuôi trâu, bò có xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế không cao và diện tích chăn thả bị thu hẹp. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát, giá bán thịt lợn hơi tăng , sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao hơn khi giảm quy mô sản xuất ở những hộ nhỏ lẻ và phát triển các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn có quy trình khép kín với giá thành sản xuất thấp hơn.

Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn cần theo dõi sát tình hình thị trường, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin kịp thời, kiểm soát tình hình chăn nuôi tại địa phương, thực hiện tốt quy định không cho phép chăn nuôi trong khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.
Tính đến ngày 24/3/2025, cả nước không còn dịch tai xanh và dịch cúm gia cầm; dịch lở mồm long móng còn ở Sơn La; dịch viêm da nổi cục còn ở Sơn La, Quảng Ngãi và dịch tả lợn châu Phi còn ở 10 địa phương chưa qua 21 ngày.